Trong một vụ án, tội phạm có thể do một người thực hiện hoặc một nhóm người cùng nhau thực hiện. Trường hợp có nhiều hơn một người cùng nhau cố ý thực hiện tội phạm thì vụ án đó được xem là vụ án đồng phạm. Ở bài viết trước, tôi đã cùng các bạn tìm hiểu thế nào là Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội trong trường hợp phạm tội riêng lẻ. Trong bài viết này, chúng ta tiếp tục tìm hiểu về chế định Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội trong trường hợp đồng phạm. Vậy, Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được hiểu như thế nào?
Trong vụ án đồng phạm, khi xác định trách nhiệm hình sự của mỗi cá nhân ngoài việc tuân thủ những nguyên tắc chung, còn phải tuân thủ các nguyên tắc mang tính riêng biệt. Trong đó, cần phải chú ý khi có sự tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội trong vụ án đồng phạm.
Khái niệm Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội
Mục Lục:
Căn cứ theo quy định tại Điều 16 Bộ luật hình sự 2015 quy định về Tự ý chấm dứt việc phạm tội thì Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được hiểu là việc “tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản”.
Miễn trách nhiệm hình sự đối với việc tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội
Việc tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội cho thấy rằng, người phạm tội nhận thức được hành vi của họ là nguy hiểm cho xã hội, mặc dù ban đầu có ý định thực hiện việc phạm tội nhưng sau đó do ý chí chủ quan không mong muốn tội phạm xảy ra. Từ đó, chấm dứt hành vi phạm tội chuẩn bị thực hiện, thực hiện biện pháp ngăn chặn để xóa bỏ sự trợ giúp, hỗ trợ trước đó của mình và trên thực tế hậu quả của tội phạm không xảy ra, nên người phạm tội tự ý chấm dứt việc phạm tội của họ có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
Việc miễn trách nhiệm hình sự chỉ đặt ra đối với những người đã tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội. Những người đồng phạm khác trong vụ án vẫn phải chịu trách nhiệm về tội phạm mà họ đã thực hiện. Việc xác định tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội của từng loại người đồng phạm có sự khác nhau:
Đồng phạm là người tổ chức, người xúi giục
Để được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội, đồng phạm có vai trò là người tổ chức, người xúi giục phải thực hiện ít nhất một trong ba hành động sau đây:
Thứ nhất, người đồng phạm là người tổ chức xúi giục phải thuyết phục, khuyên bảo, đe dọa để người thực hành không thực hiện tội phạm;
Thứ hai, khai báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc
Thứ ba, báo cho người sẽ là nạn nhân biết về tội phạm đang được chuẩn bị thực hiện để họ có các biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa tội phạm.
Đồng phạm là người thực hành
Để được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội, đồng phạm có vai trò là người thực hành phải tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội một cách tự nguyện và dứt khoát ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành.
Nếu trong một số vụ án có nhiều người thực hành tội phạm, có người tự ý nửa chừng từ bỏ ý định phạm tội, có người không từ bỏ ý định phạm tội thì người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội chỉ được miễn trách nhiệm hình sự theo Điều 16 BLHS 2015 trong trường hợp:
Nếu họ đã không làm gì hoặc những việc mà họ đã làm trước khi từ bỏ ý phạm tội không giúp gì cho những người đồng phạm khác tiếp tục thực hiện tội phạm.
Nếu những việc mà họ đã làm trước khi từ bỏ ý phạm tội được những người đồng phạm khác tiếp tục sử dụng để thực hiện tội phạm thì phải có hành động tích cực để ngăn chặn. Nếu tội phạm vẫn được thực hiện thì người này vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.
Tùy thuộc vào thời điểm mà người thực hành đã tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội, khi người thực hành tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội thì chỉ riêng họ được miễn trách nhiệm hình sự. Những người đồng phạm khác (KHÔNG phải là người thực hành) vẫn phải chịu Trách nhiệm hình sự về tội phạm họ đã tham gia ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt.
Đồng phạm là người giúp sức
Để được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội, đồng phạm có vai trò là người giúp sức được xác định bằng việc họ đã chấm dứt việc tạo ra những điều kiện thuận lợi về vật chất hoặc tinh thần cho việc thực hiện tội phạm.
Trong trường hợp sự giúp sức của họ đang được những người đồng phạm khác sử dụng để thực hiện tội phạm thì người giúp sức cũng phải có những hành động tích cực để ngăn chặn được người thực hành thực hiện tội phạm.
Các trường hợp không được xem là tự ý chấm dứt việc phạm tội
Trường hợp người phạm tội buộc phải chấm dứt việc phạm tội của mình do các nguyên nhân khách quan như: do các trường hợp bất khả kháng khác,… thì không được xem là “tự ý” chấm dứt việc phạm tội và không được miễn trách nhiệm hình sự.
Cơ sở pháp lý
Điều 16 Bộ luật hình sự năm 2015
Nghị quyết 01/1989/HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, ngày 19.4.1989