Tổng hợp bài tập môn Pháp luật chủ thể kinh doanh và phá sản
Bài tập 1:
Dương, Thành, Trung và Hải quyết định thành lập Công ty TNHH Thái Bình Dương. Cty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp vào tháng 2/2016. Các thành viên thỏa thuận rằng Dương góp 800 triệu đồng bằng tiền mặt (chiếm 16% vốn điều lệ); Thành góp vốn bằng giấy nhận nợ của Cty TNHH Thành Mỹ, tổng số tiền trong giấy nhận nợ là 1 tỷ 300 triệu đồng, được các bên nhất trí định giá là 1 tỉ 200 triệu đồng (chiếm 24% vốn điều lệ). Trung góp vốn bằng ngôi nhà của mình và được các thành viên định giá 1 tỉ 500 triệu (chiếm 30% vốn điều lệ) do tin chắc rằng trong thời gian tới, con đường trước ngôi nhà đó sẽ được mở rộng mặc dù nếu theo mặt bằng giá cả hiện tại thì trị giá ngôi nhà chỉ khoảng 700 triệu đồng. Hải góp vốn bằng một chiếc xe được các thành viên thỏa thuận với giá là 1 tỷ 500 triệu đồng bằng (chiếm 30% vốn điều lệ) nhưng lúc đầu mới chỉ góp 500 triệu đồng, 1 tỷ đồng còn lại, các bên thỏa thuận khi nào Cty cần thì Hải sẽ góp.
1 – Hãy nhận xét về các loại tài sản góp vốn và việc thực hiện cam kết góp vốn của các thành viên trong Cty TNHH Thái Bình Dương nêu trên?
2 – Sau hơn 1 năm hoạt động, Cty có lãi ròng 800 triệu. Hội đồng thành viên của Cty họp và quyết định phân chia số lợi nhuận này cho các thành viên. Tranh chấp xảy ra khi các thành viên còn lại cho rằng Hải cam kết góp 1.5 tỉ đồng nhưng do mới góp 500 triệu đồng nên chỉ được chia lợi nhuận trên số vốn góp thực tế. Hãy nhận xét về tranh chấp này?
Bài tập 2:
HTX M có 90 thành viên. Ngày 12/7/2013, 46 thành viên đồng loạt gửi đơn yêu cầu HĐQT triệu tập họp Đại hội thành viên bất thường để giải quyết một số vấn đề phát sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX. Sau 10 ngày chờ đợi nhưng không thấy phản hồi từ HĐQT, các thành viên này đã tự đứng ra tổ chức đại hội thành viên bất thường và mời Ban kiểm soát tham dự.
Hãy cho biết ý kiến của anh (chi) về tình huống trên.
Bài tập 3:
Bản án số 196/2008/KDTM-PT của Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội:
“Công ty cổ phần Việt Thái được thành lập ngày 19/8/2002; cổ đông sáng lập gồm 7 người là ông Đỗ Ngọc Khuê, bà Trần Thị Ngấn, và các ông bà Long, Chiến, Minh, Cúc,Nhường; đại diện theo pháp luật là ông Đỗ Ngọc Khuê chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc công ty. Ngày 19/8/2005, ông Khuê có đơn xin nghỉ việc, rút khỏi vị trí giám đốc và đề nghị HĐQT bổ nhiệm giám đốc mới để điều hành và làm người đại diện theo pháp luật của Công ty. Ngày 27/8/2005. HĐQT đã họp để bàn về việc thay đổi Giám đốc nhưng chưa ra quyết định chính thức. Ngày 1/9/2005,bốn trong bảy thành viên HĐQT gồm các ông bà Trần Thị Ngấn, Nhường, Cúc,Chiến đã tự họp bầu bà Trần Thị Ngấn làm Giám đốc công ty. Ngày 6/9/2005, ông Khuê ký quyết định bổ nhiệm bà Trần Thị Ngấn làm giám đốc công ty và đã ký biên bản bàn giao con dấu, tài liệu cho bà Ngấn. Trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Công ty, ông Khuê vẫn là Chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc
Theo ông Khuê thì do bà Ngấn có nhiều hành vi vi phạm pháp luật và điều lệ công ty, gây thiệt hại cho công ty nên ngày 9/11/2007, ông Khuê khởi kiện bà Trần Thị Ngấn, yêu cầu Tòa xác định ông vẫn là người đại diện theo pháp luật của công ty, buộc bà Ngấn phải trả lại con dấu cho ông quản lý sử dụng. Bà Ngấn không chấp thuận các yêu cầu này, cho rằng bà là Giám đốc hợp pháp, là người đại diện theo pháp luật của Công ty, đồng thời đến nay, HĐQT Công ty đã hết nhiệm kỳ, bản thân ông Khuê có nhiều sai phạm nghiêm trọng, từ bỏ vai trò quản lí công ty cần phải bị bãi nhiệm.”
Hãy bình luận về tranh chấp trong vụ án nêu trên theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014, giả sử rằng tranh chấp trong vụ án nêu trên xảy ra sau ngày Luật Doanh nghiệp 2014 có hiệu lực.
Bài tập 4:
HTX Minh Long có 67 thành viên, với tổng số vốn điều lệ là 120 triệu đồng. Ngày 10/2, đại hội toàn thể thành viên đã họp và có 45 thành viên đại diện cho 55 triệu đồng vốn điều lệ tham dự Đại hội có thảo luận việc khai trừ thành viên Trúc ra khỏi HTX, vì thành viên này đã vi phạm nghiêm trọng điều lệ của HTX. Có 22 thành viên tham dự cuộc họp đại diện cho 38 triệu đồng vốn điều lệ đã biểu quyết khai trừ thành viên Trúc. Ngày 11/2 có 15 thành viên khác không tham dự cuộc họp bày tỏ sự đồng ý đối với việc khai trừ ông Trúc ra khỏi HTX lên HĐQT HTX Minh Long. Trên cơ sở đó, HĐQT đã quyết định khai trừ Ông Trúc ra khỏi HTX và trả cho ông % số vốn đã góp trước đây.
Bằng những quy định của Luật HTX, hãy cho biết:
Việc khai trừ ông Trúc và trả lại vốn góp như vậy có đúng không? Tại sao?
Bài tập 5:
Anh chị hãy cho biết ý kiến của mình về những tình huống sau:
1 – Bà Cúc (Chủ tịch Phường 12 Quận 4 TPHCM) làm đơn xin gia nhập HTX dịch vụ Điện cơ có trụ sở tại Phường 14 Quận 4 TPHCM nhưng bị Đại hội thành viên của HTX này từ chối với hai lý do:
(i) – Bà Cúc đang là công chức nhà nước nên không được làm thành viên của HTX;
(ii) – Bà Cúc có hộ khẩu thường trú tại Phường 12, trong khi đó, điều lệ HTX quy định: “HTX chỉ kết nạp cá nhân có hộ khẩu thường trú và pháp nhân có trụ sở tại nơi đặt trụ sở của HTX”.
2 – Hội đồng quản trị CTCP Suối Mơ gồm có 6 thành viên A, B, C, D, E và F, trong đó ông A được bầu làm Tổng giám đốc Cty và bà E là chủ tịch Hội đồng quản trị. Khi cty kinh doanh thua lỗ, bà E cho rằng ông A không có khả năng điều hành Cty nên đã ra quyết định cắt chức Tổng giám đốc của ông A và ký hợp đồng thuê ông H là cổ đông nắm giữ 5% tổng số cổ phần phần phổ thông của Cty làm Tổng giám đốc mới.
3 – Phước, Thu và Nga là 3 thành viên hợp danh của Cty hợp danh Phước và Cộng sự. Ngoài các thành viên hợp danh, Cty này còn có 2 thành viên góp vốn là Thìn và Tý. Sau 4 năm liên tục không được phân chia lợi nhuận và biết được rằng Cty hiện đang có tổng nợ lớn hơn gấp 03 lần vốn điều lệ nên Thìn đã nộp đơn đến Tòa án có thẩm quyền yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Cty hợp danh Phước và cộng sự. Sau khi xem xét hồ sơ, Tòa án đã ra Quyết định không mở thủ tục đối với Cty với lý do người nộp đơn không có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật.
Bài tập 6:
DNTN A lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán nợ đến hạn, công ty TNHH C là một trong số những chủ nợ không có bảo đảm của DNTN A nộp đơn yêu cầu Tòa án Nhân dân huyện H, nơi ông Nguyễn Văn A- Chủ doanh nghiệp tư nhân A có hộ khẩu thường trú yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Anh/chị hãy cho biết công ty TNHH C có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản với DNTN A không, vì sao? Việc công ty C nộp đơn đến TAND huyện H là đúng hay sai, nếu sai thì theo anh/chị, TAND nào mới có thẩm quyền giải quyết phá sản đối với DNTN A?
(Áp dụng LPS 2014 để giải quyết tình huống trên)
Bài tập 7:
Cty TNHH A có các thành viên với phần góp vốn cụ thể như sau:
B: 10%; C: 20%; D: 30%; E: 30%; F: 5%; G:5%
D được bổ nhiệm làm Chủ tịch hội đồng thành viên của Cty.
Anh chị hãy giải quyết các tình huống phát sinh sau:
Tình huống 1:
Hội đồng thành viên Cty A muốn bổ nhiệm G làm giám đốc nhưng B phản đối vì cho rằng G không làm Giám đốc được vì G hiện này đang làm giám đốc của 1 DNTN khác.
G có làm giám đốc được không? Vì sao?
Tình huống 2:
Cty đang muốn quyết định hai vấn đề sửa đổi bổ sung điều lệ và thành lập thêm chi nhánh. Cty dự định thực hiện một trong những phương án sau:
1 – Gửi văn bản lấy ý kiến của tất cả các thành viên về hai vấn đề trên
2 – Tổ chức họp để thông qua hai quyết định trên.
Theo anh chị, công ty nên thực hiện phương án nào, tại sao?
Bài tập 8:
Ngày 5.1.2015, TA đã ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với CTCP Phúc Anh theo đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của một chủ nợ không có bảo đảm của công ty này. Anh (chị) hãy cho biết ý kiến của mình về những tình huống sau:
Ngày 20/01/2015, Tòa án yêu cầu HĐQT và TGĐ của CTCP Phúc Anh bàn giao toàn bộ công việc của công ty cho Quản tài viên.
Ngày 25/01/2015, Ông Bình (cổ đông của CTCP Phúc Anh) chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của mình cho bà Hương mà không thông báo cho quản tài viên và thẩm phán biết.
Ngày 01/2/2015, ông Duy là chủ nợ có bảo đảm một phần với tổng số nợ 2 tỷ, được bảo đảm bằng tài sản của công ty Phúc Anh trị giá 900 triệu đã đề nghị quản tài viên đề xuất với thẩm phán về việc xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ đã đến hạn của mình nhưng quản tài viên không đồng ý vì cho rằng tất cả các khoản nợ chỉ được thanh toán trong quá trình thanh lý tài sản của CTCP Phúc Anh sau khi Tòa án đã ra quyết định tuyên bố phá sản đối với công ty này.
(Anh/chị hãy áp dụng LPS 2014 để giải quyết các tình huống nêu trên).
Bài tập 9:
Các ông A,B,C,D,E cùng thỏa thuận thành lập một CTCP lấy tên là CTCP TM&DV Hoa Hồng, đặt trụ sở chính tại thành phố H. Vốn điều lệ dự định là 3 tỷ đồng và được các thành viên thỏa thuận chia thành 30.000 phần.
Hỏi:
1 – Việc đặt tên Cty như trên có trái với LDN không, nếu trước đó đã có cty TNHH TM&DV Hoa Hồng được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đặt trụ sở chính tại Thành phố T.
2 – Để huy động được số vốn điều lệ nói trên, cty này đã phải phát hành bao nhiêu cổ phần và mỗi cổ phần có mệnh giá là bao nhiêu? Các ông A,B,C,D,E có phải cùng đăng ký mua ít nhất 20% tổng số cổ phần phổ thông được quyền chào bán của Cty hay không? Biết rằng ông E không ký tên vào bản điều lệ đầu tiên của Cty.
Bài tập 10:
CTCP Phương Đông có trụ sở tại TP.HCM có ngành nghề kinh doanh chính là chế tạo thiết bị và xây lắp các công trình công nghiệp.
1 – Hãy phân tích các quy định của pháp luật hiện hành để làm rõ:
CTCP Phương Đông có thể kinh doanh bia theo các hình thức sau đây được hay không? Vì sao?
A – Cùng góp vốn với Cty Bia Sài Gòn và ông A (Ông A có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Bình Dương và không thuộc đối tượng bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp) để thành lập CTCP sản xuất, kinh doanh bia Phương Nam, dự định đặt trụ sở tại TP.HCM.
2 – Giả sử CTCP bia Phương Nam được thành lập, anh chị hãy cho biết các sáng lập viên của Cty này có thể thực hiện được các dự định sau đây hay không? Nếu có thì bằng cách nào?
A – Dự định phát hành cổ phần ưu đãi.
B – Dự định Chủ tịch Hội đồng quản trị sẽ là người đại diện theo pháp luật của Cty.
Nguồn: Ngân hàng đề thi HCMULAW
Tiếp theo: Tổng hợp bài tập thường gặp Luật Doanh nghiệp 2014