Trong khoa học pháp lý, phòng vệ chính đáng được xem là một trong các tình tiết loại trừ tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi. Do đó, việc xác định một hành vi có phải là phòng vệ chính đáng hay không có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là cơ sở pháp lý quan trọng để phân biệt giữa hành vi cấu thành tội phạm và hành vi không phải là tội phạm. Hãy cùng kiemsatvien.com tìm hiểu chế định pháp lý về Phòng vệ chính đáng?
Khái niệm phòng vệ chính đáng
Mục Lục:
- Khái niệm phòng vệ chính đáng
- Các điều kiện phát sinh phòng vệ chính đáng
- Người thực hiện hành vi phải có quyền phòng vệ
- Sự tấn công nguy hiểm đáng kể và trái pháp luật
- Sự tấn công phải xâm phạm tới lợi ích được pháp luật bảo vệ
- Sự tấn công phải đang xảy ra hoặc đe dọa xảy ra ngay lập tức.
- Người thực hiện hành vi phải phòng vệ một cách chính đáng
- Mục đích của phòng vệ phải nhằm gạt bỏ sự tấn công của chính người có hành vi tấn công.
- Sự phòng vệ phải trong phạm vi và giới hạn cần thiết
- Ý nghĩa của quy định tình tiết phòng vệ chính đáng
Phòng vệ chính đáng là gì?
Căn cứ theo quy định tại Điều 22 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về Phòng vệ chính đáng thì Phòng vệ chính đáng được hiểu là tình tiết loại trừ tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi, người thực hiện hành vi phòng vệ chính đáng vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà thực hiện chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích đó.
Do đó, mặc dù hành vi thực hiện chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên có thể gây ra những thiệt hại nhất định nhưng hành vi phòng vệ chính đáng này đã làm loại trừ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi nên không phải là tội phạm.
Các điều kiện phát sinh phòng vệ chính đáng
Một hành vi được xem là phòng vệ chính đáng khi hội đủ cả hai điều kiện đó là người thực hiện hành vi phải có quyền phòng vệ và người thực hiện phái phòng vệ một cách chính đáng (phòng vệ trong phạm vi và giới hạn nhất định. Trong đó:
Người thực hiện hành vi phải có quyền phòng vệ
Một người được xem là có quyền phòng vệ trong trường hợp có sự tấn công nguy hiểm đáng kể và trái pháp luật, sự tấn công phải xâm phạm tới lợi ích của nhà nước, của tổ chức và lợi ích chính đáng của bản thân người thực hiện hành vi phòng vệ hoặc của người khác và sự tấn công phải đang xảy ra hoặc đe dọa xảy ra ngay lập tức.
Sự tấn công nguy hiểm đáng kể và trái pháp luật
Sự tấn công nguy hiểm đáng kể được xác định dựa trên cơ sở mức độ nguy hiểm của hành vi tấn công do con người thực hiện. Hành vi tấn công này thường đe dọa gây thiệt hại đáng kể, có thể đang xảy ra hoặc đe dọa xảy ra ngay tức khắc.
Những hành vi tấn công được pháp luật cho phép không làm phát sinh quyền phòng vệ chính đáng. Bởi vì, hành vi phòng vệ chính đáng cho phép sử dụng các hành vi gây thiệt hại để chống lại các hành vi trái pháp luật xâm phạm đến lợi ích được pháp luật bảo vệ.
Sự tấn công phải xâm phạm tới lợi ích được pháp luật bảo vệ
Hành vi xâm phạm là điều kiện phát sinh phòng vệ chính đáng không chỉ là các hành vi xâm phạm đến các lợi ích hợp pháp của chính người phòng vệ chính đáng mà còn có thể xâm phạm đến các lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân khác.
Sự tấn công phải đang xảy ra hoặc đe dọa xảy ra ngay lập tức.
Hành vi tấn công nguy hiểm đáng kể và trái pháp luật phải đang xảy ra. Nếu hành vi tấn công nguy hiểm đáng kể và trái pháp luật chưa xảy ra hoặc đã chấm dứt trên thực tế thì hành vi chống trả được xem là phòng vệ quá sớm hoặc phòng vệ quá muộn. Hai trường hợp này không được xem là phòng vệ chính đáng.
Người thực hiện hành vi phải phòng vệ một cách chính đáng
Mục đích của phòng vệ phải nhằm gạt bỏ sự tấn công của chính người có hành vi tấn công.
Mục đích của hành vi phòng vệ chính đáng là nhằm ngăn chặn hành vi tấn công trái pháp luật và hạn chế thiệt hại xảy ra nên hành vi phòng vệ phải nhằm vào chính hành vi đang tấn công.
Sự phòng vệ phải trong phạm vi và giới hạn cần thiết
Hành vi phòng vệ phải nằm trong phạm vi và giới hạn nhất định. Hành vi phòng vệ phải phù hợp và ở mức độ cần thiết để ngăn chặn hành vi tấn công. Việc xác định sự phù hợp và mức độ cần thiết của hành vi tấn công của hành vi phòng vệ phụ thuộc vào từng hoàn cảnh, không gian, thời gian cụ thể.
Nếu hành vi phòng vệ vượt ra khỏi phạm vi và giới hạn cần thiết sẽ trở thành hành vi nguy hiểm cho xã hội. Hành vi này được xem là hành vi vượt quá phòng vệ chính đáng và có thể phải gánh chịu trách nhiệm hình sự.
Ý nghĩa của quy định tình tiết phòng vệ chính đáng
Việc quy định tình tiết phòng vệ chính đáng là tình tiết loại trừ tính chất phạm tội của hành vi đã tạo một hành lang pháp lý để từ đó hình thành các phương thức phù hợp để ngăn chặn những hành vi nguy hiểm cho xã hội nói chung, hành vi phạm tội nói riêng.