Thực trạng của cơ chế bảo hiến ở Việt Nam hiện nay?
Việt Nam theo mô hình nhà nước xã hội chủ nghĩa, việc giám sát tuân thủ Hiến pháp và pháp luật được tổ chức theo cơ chế phân công phân nhiệm từ Quốc hội xuống Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho đến Hội đồng nhân dân các cấp, trong đó Quốc hội giữ vai trò là cơ quan giám sát tối cao.

Thực trạng của cơ chế bảo hiến ở Việt Nam hiện nay
Hiện nay, nếu xét riêng phương diện giám sát Hiến pháp thì Quốc hội là cơ quan giữ vai trò chính (có sự phân công, phân nhiệm cho các cơ quan trong Quốc hội và các cơ quan nhà nước cấp cao khác). Do đó, có thể coi mô hình giám sát Hiến pháp ở Việt Nam là giám sát bởi Quốc hội.
Quyền giám sát Hiến pháp của Quốc hội xuất phát từ vị trí “cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất” của Quốc hội trong bộ máy nhà nước. Một trong những chức năng thể hiện tính cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của Quốc hội là: “Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước”, “thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật, Nghị quyết của Quốc hội” (các điều 69, 70 Hiến pháp năm 2013).
Nội dung chính của giám sát Hiến pháp là bảo đảm việc tuân thủ các quy định của Hiến pháp trong hoạt động của toàn bộ Nhà nước, trước hết là đối với việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo tinh thần đó, nội dung cơ bản của hoạt động giám sát Hiến pháp của Quốc hội tập trung vào các việc sau:
Giám sát tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất (thứ bậc) của văn bản pháp luật;
Giám sát những sơ hở, thiếu sót của văn bản pháp luật trong quá trình áp dụng.
Xem xét tính tuân thủ Hiến pháp và pháp luật (khi ra quyết định áp dụng pháp luật), tính hiệu quả của các văn bản (để khẳng định chất lượng), tính phù hợp của các pháp lệnh, nghị định độc lập (để nâng lên thành luật).
Hình thức thực hiện quyền giám sát Hiến pháp của Quốc hội được thông qua hệ thống các cơ quan theo sự phân công, phân nhiệm. Để phù hợp với điều kiện hoạt động của mình Quốc hội chỉ tập trung giám sát đối với văn bản của các cơ quan nhà nước cấp cao (Ủy ban thường vụ Quốc hội, chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao) và thông qua các cơ cấu của mình giám sát đến các cơ quan đặc thù (như Ủy ban thường vụ Quốc hội giám sát hội đồng nhân dân cấp tỉnh).
Vì vậy, khi xem xét hoạt động giám sát của Quốc hội, trước hết là nói đến chính hoạt động của Quốc hội và các cơ cấu bên trong của Quốc hội mà Quốc hội và các cơ cấu của Quốc hội có thẩm quyền giám sát trực tiếp theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Tiếp đó, việc giám sát được giao cho các cơ quan nhà nước khác theo hình thức “ủy quyền” hay còn gọi là “phân công, phân nhiệm”.
Đó là vai trò giám sát của Chủ tịch nước, Chính phủ, tòa án nhân dân và viện kiểm sát nhân dân cũng như của hội đồng nhân dân các cấp đối với các cơ quan, tổ chức theo quy định. Các cơ quan này chịu trách nhiệm trước Quốc hội về hoạt động đó.
Nói cụ thể hơn việc giám sát được thực hiện theo những hình thức sau:
Quốc hội và các cơ cấu của Quốc hội trực tiếp thực hiện quyền giám sát.
Quốc hội và các cơ cấu của Quốc hội thực hiện giám sát đối với Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước, giám sát Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; giám sát Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, giám sát hội đồng nhân dân các cấp (giao cho Ủy ban thường vụ Quốc hội).
Vai trò giám sát của Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và Hội đồng nhân dân các cấp.
Theo tinh thần của Điều 69 Hiến pháp năm 2013 thì “Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước”, do vậy, phải hiểu rằng Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao không chỉ đối với các cơ quan nhà nước cấp cao mà còn đối với các cơ quan nhà nước khác như các bộ, các cơ quan ngang bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan chính quyền địa phương, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang và công dân.
Việc giám sát hoạt động của các cơ quan này được phân giao (phân cấp, phân tầng) cho các cơ quan khác nhau thực hiện. Trước hết, là vai trò giám sát của Chủ tịch nước đối với Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân, vai trò kiểm tra của Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước đối với các cơ quan cấp dưới, như Thủ tướng Chính phủ có quyền “Đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ văn bản của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trái với Hiến pháp, luật và văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên; đình chỉ việc thi hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trái với Hiến pháp, luật và văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, đồng thời đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội bãi bỏ” (khoản 4, Điều 98 Hiến pháp năm 2013).
Pháp luật quy định Tòa án nhân dân khi xét xử các vụ án hình sự, dân sự, kinh tế, hành chính mà phát hiện các văn bản quy phạm pháp luật sai trái là nguyên nhân gây ra vụ án thì có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền sửa chữa, bãi bỏ.
Viện kiểm sát nhân dân một thời gian dài từ Hiến pháp năm 1959 đến Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2001) thực hiện việc giám sát đối với các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp bộ trở xuống, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang và công dân với tính cách như là một hình thức thực hiện quyền giám sát của Quốc hội. Đến Nghị quyết của Quốc hội về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi bổ sung năm 2001) đã bãi bỏ chức năng này của Viện kiểm sát nhưng vẫn giữ lại quyền kiểm sát hoạt động tư pháp và trong Hiến pháp 2013 nó vẫn được duy trì cho tới nay (khoản 1 Điều 107).
Ngoài ra, Hội đồng nhân dân có quyền bãi bỏ những quyết định sai trái của ủy ban nhân dân cùng cấp, những nghị quyết sai trái của hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp.
Những bất cập và hạn chế trong cơ chế bảo vệ Hiến pháp
Hiện tại, cơ chế giám sát việc tuân thủ Hiến pháp và pháp luật ở nước ta nếu xét trên bình diện bảo hiến (chỉ tập trung vào việc phán xét việc tuân thủ Hiến pháp) thì có có quá nhiều bất cập, thể hiện qua các mặt sau:
Một là, cơ chế giám sát quá nhiều chủ thể và nhiều tầng nấc làm hạn chế và lu mờ vai trò giám sát tối cao của Quốc hội đồng thời làm hạn chế, giảm đi tính tối cao, tính hiệu lực của hoạt động đó.
Hai là, chưa phân biệt giám sát Hiến pháp với các loại giám sát khác dẫn đến việc giám sát bản thân Quốc hội còn bỏ ngỏ.
Chừng nào chúng ta vẫn cho Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, được thực hiện tất cả các quyền lập hiến, lập pháp, hành pháp, tư pháp, giám sát và quyền nào cũng là cao nhất hay tối cao thì chưa thể nói tới giám sát Hiến pháp đúng nghĩa.
Mạnh Hùng – CTV dethiluat.com
Tham khảo thêm: Những bất cập và kiến nghị hoàn thiện cơ chế bảo hiến ở Việt Nam