Tại sao nói ngân hàng nhà nước là ngân hàng của các ngân hàng. Liên hệ với Việt Nam?
Tại sao nói ngân hàng nhà nước là ngân hàng của các ngân hàng?
Trên cơ sở độc quyền phát hành tiền, ngân hàng trung ương thực hiện việc cung ứng tiền tệ cho nền kinh tế thông qua việc cấp tín dụng cho các ngân hàng trung gian và kiểm soát quá trình tạo tiền của các ngân hàng trung gian – khách hàng của ngân hàng trung ương.
Ngân hàng trung ương có các chức năng sau:
– Nhận tiền gửi của các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng
Để đáp ứng nhu cầu chi trả, các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng được cấp phép hoạt động đều phải mở tài khoản tiền gửi tại ngân hàng trung ương và gửi tiền vào đó theo quy định. Số dư “tài khoản tiền gửi thanh toán” của các tổ chức này được ngân hàng trung ương trả lãi. Ngoài ra ngân hàng trung ương còn quản lý tiền gửi dự trữ bắt buộc của các tổ chức tín dụng có huy động tiền gửi để kinh doanh. Mức dự trữ bắt buộc được tính theo tỷ lệ % trên từng loại tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn. Tỷ lệ này do ngân hàng trung ương quy định trong từng thời kỳ. Mục đích của dự trữ bắt buộc là nhằm đảm bảo khả năng thanh toán hạn chế rủi ro thanh toán cho cả hệ thống. Tuy nhiên theo thời gian, ý nghĩa này giảm dần. Cùng với sự phát triển của thị trường tiền tệ, các hình thức bảo hiểm tiền gửi ra đời đã giảm bớt khả năng xảy ra tình trạng rút tiền ồ ạt khi có thông tin không bình thường về một ngân hàng. Vì vậy, tỷ lệ dự trữ bắt buộc ngày càng giảm ở hầu hết các quốc gia. Hiện nay, tỷ lệ dự trữ bắt buộc thường được đề cập đến với tư cách là công cụ của chính sách tiền tệ.
– Cho vay với các tổ chức tín dụng: Với tư cách là ngân hàng của các ngân hàng, ngân hàng trung ương luôn là chủ nợ và là người cho vay cuối cùng đối với các tổ chức tín dụng thông qua hoạt động tái cấp vốn. Nghiệp vụ này tạo cho ngân hàng trung ương thực hiện vai trò điều tiết khối lượng tiền cung ứng một cách có hiệu quả. Khi cần cung ứng thêm tiền vào lưu thông, ngân hàng trung ương tăng thêm hạn mức tái cấp vốn, giảm lãi suất tái cấp vốn đối với các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng. Ngược lại, khi cần rút bớt tiền khỏi lưu thông, ngân hàng trung ương giảm hạn mức tái cấp vốn, tăng lãi suất tái cấp vốn đối với các ngân hàng thương mại.
– Tổ chức thanh toán không dùng tiền mặt: Bằng cách thiết lập phòng thanh toán tại trụ sở của mình, ngân hàng trung ương giúp các ngân hàng thương mại thanh toán bù trừ những món nợ với nhau, góp phần giảm bớt khối lượng thanh toán, tiết kiệm thời gian thực hiện thanh toán giữa các ngân hàng.
>> Xem thêm: Hãy chứng minh ngân hàng nhà nước là ngân hàng của các ngân hàng.
Thực tế tại Việt Nam hiện nay?
Năm 1997, Luật Ngân hàng Nhà nước được Quốc hội thông qua; theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) được khẳng định là một tổ chức có chức năng quản lý đối với các ngân hàng thương mại (NHTM) khi NHNN vẫn là cơ quan có quyền ra quyết định về việc cấp, thu hồi giấy phép hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD) nói chung và các NHTM nói riêng. Chính vì vậy, NHTM cần phải chịu sự giám sát của NHNN khi muốn tham gia hoặc rút lui đối với hoạt động ngân hàng. Sự giám sát này được thực hiện bởi sự phối hợp giữa các bộ phận chuyên ngành của NHNN: Vụ Các Ngân hàng; Vụ Các TCTD hợp tác; Vụ Chính sách tiền tệ; Vụ Tín dụng; Vụ Quản lý ngoại hối; Thanh tra Ngân hàng,…
Ngày 27/5/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 83/2009/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng trực thuộc NHNN. Đây là một cơ quan cấp tổng cục trực thuộc NHNN, được thành lập trên cơ sở sáp nhập một số Vụ, Cục của NHNN. Cơ quan này có chức năng thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành và giám sát chuyên ngành về ngân hàng trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của NHNN; tham mưu, giúp Thống đốc NHNN quản lý nhà nước đối với các TCTD, tổ chức tài chính quy mô nhỏ, hoạt động ngân hàng của các tổ chức khác; thực hiện phòng, chống rửa tiền theo quy định của pháp luật. Theo Quyết định này, thông qua hoạt động giám sát ngân hàng, trong trường hợp phát hiện các vi phạm quy định an toàn hoạt động ngân hàng và quy định của pháp luật hoặc có dấu hiện mất an toàn hoạt động, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng áp dụng ngay các biện pháp ngăn chặn và xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
Tác giả: Phan Hải sent to dethiluat@gmail.com