Những ảnh hưởng tiêu cực từ môi trường vĩ mô như tác động từ môi trường quốc tế, tàn dư xã hội cũ, những thiếu sót, hạn chế của công cuộc xây dựng xã hội mới và những ảnh hưởng tiêu cực từ môi trường vi mô như gia đình không còn là tổ ấm, những yếu kém trong giáo dục của gia đình, nhà trường, xã hội, ảnh hưởng của những nhóm không chính thức,… đã gây ra những hệ lụy xấu cho xã hội, làm cho tình hình tội phạm nước ta đã diễn ra theo chiều hướng vô cùng phức tạp. Để đưa những tội phạm ấy ra ánh sáng, trừng trị thích đáng những kẻ thực hiện hành vi phạm tội, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải tiến hành các hoạt động từ tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố đến khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Để làm được những điều đó, cơ quan tiến hành tố tụng cần xác minh, thu thập chứng cứ, tài liệu buộc tội bị can. Vấn đề hiểu tâm lý và tác động tâm lý có ý nghĩa rất lớn trong tìm kiếm sự thật của vụ án. Tuy nhiên hiểu được tâm lý người không phải là vấn đề đơn giản “Sông sâu còn có kẻ dò, lòng người ai dễ mà đo cho tường”. Có khi một người không hiểu được tâm lý của mình, huống chi là hiểu được tâm lý người khác. Cũng như vậy, tâm lý người phạm tội, tâm lý bị can là những hiện tượng tâm lý vô cùng phức tạp. Chỉ khi giải mã được hiện tượng tâm lý của họ, cơ quan tiến hành tố tụng mới có những cách thức tác động tâm lý phù hợp và hiệu quả. Cũng chính vì lý do đó mà chúng tôi đi sâu phân tích chủ đề: “So sánh đặc điểm tâm lý của người phạm tội trước và sau khi bị khởi tố”.
Về phạm vi: tìm hiểu, nghiên cứu đặc điểm tâm lý của bị can sau khi bị khởi tố và tâm lý người phạm tội chưa bị khởi tố.
Về mục đích: tìm ra những nét tương đồng, khác biệt giữa đặc điểm tâm lý của bị can sau khi bị khởi tố và tâm lý người phạm tội chưa bị khởi tố từ đó lý giải những nguyên nhân dẫn đến sự giống và khác đó. Khi hiểu được các vấn đề nêu trên sẽ trang bị kiến thức cho quá trình học tập và làm việc sau này để có những cách tác động tâm lý của người phạm tội, bị can đạt hiệu quả cao nhất, tạo tâm thế tự tin, tự chủ khi thực hiện nhiệm vụ.
Về phương pháp: phân tích, chứng minh qua những ví dụ thực tiễn, tổng hợp vấn đề.
I. Một số khái niệm cơ bản
Mục Lục:
- I. Một số khái niệm cơ bản
- II. So sánh đặc điểm tâm lý của người phạm tội trước và sau khi bị khởi tố
- 2.1. Những đặc điểm tâm lý giống nhau giữa bị can sau khi bị khởi tố và đặc điểm tâm lý người phạm tội chưa bị khởi tố bị can
- 2.1.1. Mong muốn tìm hiểu sự hiểu biết của cơ quan điều tra về nội dung diễn biến, vụ án, tiến trình điều tra
- 2.1.2. Trạng thái lo lắng, hoang mang, bi quan, chán chường, thất vọng
- 2.1.3. Tâm lý che dấu tội phạm
- 2.1.4. Luôn luôn đấu tranh tâm lý bên trong giữa việc nhận tội, chối tội, che giấu tội phạm
- 2.1.5. Tâm lí chối tội cho mình, đổ lỗi cho đồng phạm
- 2.2. Những đặc điểm tâm lý khác nhau giữa bị can sau khi bị khởi tố và đặc điểm tâm lý người phạm tội chưa bị khởi tố bị can
- 2.2.1. Đặc điểm tâm lý người phạm tội chưa bị khởi tố
- – Muốn né tránh, không gặp gỡ người tiến hành tố tụng
- – Mong muốn không bị phát hiện hành vi phạm tội
- 2.2.2. Đặc điểm tâm lý của bị can
- – Muốn tiếp xúc, gặp gỡ cán bộ điều tra
- – Mong muốn được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, giảm nhẹ hình phạt
- – Bị can nhận thức pháp luật và nhận thức hành vi phạm tội của mình sẽ rõ ràng, đầy đủ hơn.
- – Bị can hợp tác hơn với cơ quan có thẩm quyền
- 2.3. Nguyên nhân dẫn đến tâm lý của bị can và người phạm tội có những điểm giống và khác nhau
- 2.3.1. Nguyên nhân dẫn đến tâm lý giống nhau
- 2.3.2. Nguyên nhân dẫn đến tâm lý khác nhau
- 2.4. Ý nghĩa của việc so sánh, tìm hiểu đặc điểm tâm lý của người phạm tội, bị can
- III. Kết luận
Để hiểu được sự giống và khác nhau giữa đặc điểm tâm lý của bị can sau khi bị khởi tố và tâm lý người phạm tội chưa bị khởi tố, chúng ta cần nắm được một số khái niệm cơ bản như sau:
Tâm lý người sự phản ánh hiện thực khách quan vào trong não người thông qua chủ thể. Tâm lý người mang bản chất xã hội và lịch sử.
Hoạt động điều tra dưới góc độ tâm lý học là quá trình tái tạo, khôi phục lại sự kiện phạm tội đã xảy ra trong quá khứ, căn cứ vào các những dấu vết, những tài liệu, những chứng cứ cơ bản thu thập được trong thời điểm hiện tại.
Tâm lý trong hoạt động điều tra là toàn bộ sự phản ánh hiện thực khách quan của quá trình tìm kiếm các chứng cứ, chứng minh trong vụ án hình sự vào ý thức của những người tiến hành tố tụng như Điều tra viên, Kiểm sát viên, những người tham gia tố tụng như bị hại, người làm chứng,… và những người bị buộc tội như người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can,… bao gồm tâm tư, tình cảm, nhận thức, ý chí,… của họ được biểu hiện trong hoạt động và cử chỉ của mỗi người.
Khởi tố vụ án là giai đoạn của quá trình tố tụng hình sự, trong đó cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, xác định có hay không có dấu hiệu của tội phạm để quyết định không khởi tố vụ án hình sự hay khởi tố vụ án hình sự, là cơ sở để chấm dứt hoạt động tố tụng hình sự hay thực hiện các hoạt động tố tụng tiếp theo của quá trình giải quyết vụ án hình sự.
Căn cứ khoản 1 Điều 179 BLTTHS 2015: “Khi có đủ căn cứ để xác định một người hoặc pháp nhân đã thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm thì Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can”. Vậy khởi tố bị can là việc quyết định bằng văn bản của Cơ quan điều tra đối với một người hay pháp nhân khi có đủ căn cứ xác định người đó hay pháp nhân đã thực hiện hành vi phạm tội.
Theo quy định tại Điều 8 Bộ luật hình sự thì: Người phạm tội là người thực hiện tội phạm hay người phạm tội là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, có năng lực trách nhiệm hình sự, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự. Người phạm tội chưa bị khởi tố là người phạm tội mà chưa bị cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can theo Bộ luật tố tụng hình sự.
Căn cứ khoản 1 Điều 60 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định; “Bị can là người hoặc pháp nhân bị khởi tố về hình sự. Quyền và nghĩa vụ của bị can là pháp nhân được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân theo quy định của Bộ luật này”.
II. So sánh đặc điểm tâm lý của người phạm tội trước và sau khi bị khởi tố
2.1. Những đặc điểm tâm lý giống nhau giữa bị can sau khi bị khởi tố và đặc điểm tâm lý người phạm tội chưa bị khởi tố bị can
2.1.1. Mong muốn tìm hiểu sự hiểu biết của cơ quan điều tra về nội dung diễn biến, vụ án, tiến trình điều tra
Do sợ bị trừng phạt và mong muốn trốn tránh, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, người phạm tội chưa bị khởi tố, bị can rất muốn tìm hiểu xem cán bộ điều tra và cơ quan điều tra đã biết được những gì, tiến trình điều tra như thế nào,… để căn cứ vào đó mà đưa ra lời khai có lợi nhất cho họ. Ngoại trừ những người phạm tội tự thú hoặc ăn năn, hối cải về hành vi phạm tội của mình, mong muốn được khai báo, được chuộc lại lỗi lầm thì thường không có bất cứ người phạm tội chưa bị khởi tố, bị can nào lại tự khai ra tội phạm mà mình đã thực hiện, tự làm hại cho mình. Đây là nét tâm lý phổ biến và rất dễ hiểu. Trong quá trình giao tiếp với cán bộ điều tra, người phạm tội chưa bị khởi tố, bị can cũng luôn quan sát, nghe ngóng xem cán bộ điều tra đã điều tra được đến đâu, đã biết được những tình tiết nào, đã nắm giữ những tài liệu, chứng cứ nào liên quan đến vụ án, đặt câu hỏi, xem xét thái độ và những biểu hiện khác từ đó khai cung. Họ sẽ không khai ra những gì mà cán bộ điều tra chưa có tài liệu, chứng cứ xác minh. Nếu cơ quan điều tra chưa có chứng cứ đầy đủ thì người phạm tội chưa bị khởi tố, bị can sẽ quanh co, ngoan cố không khai báo sự thật. Hơn nữa, từ tâm lý muốn tìm hiểu sự hiểu biết của cơ quan điều tra để quyết định lời khai, ở người phạm tội chưa bị khởi tố, bị can nảy sinh ra một loạt nhu cầu: muốn gặp gia đình, người thân, luật sư, muốn liên lạc với bên ngoài. Cán bộ điều tra có thể tận dụng đặc điểm này để sử dụng các biện pháp nghiệp vụ nhằm tiếp cận, tác động và khai thác thông tin từ họ. Cán bộ điều tra cần thận trọng khi tiếp xúc và tác động đến các đối tượng này, không để họ đoán được điều mà cơ quan điều tra đang cần biết để làm rõ tội trạng của chúng.
Ví dụ: vụ án giết người, cướp tài sản ở Bình Phước do Nguyễn Hải Dương là chủ mưu. Bị mời về cơ quan điều tra, Dương tỏ ra bình tĩnh khẳng định khuya 6/7 còn ở nơi làm việc, điều này có camera an ninh tại xưởng ghi nhận. Dương đã cố tình khai báo chứng cứ ngoại phạm của mình để nhằm trốn tội. Đây là tâm lý lúc đầu của Dương ngoan cố không chịu khai báo ra sự thật vì cho rằng cơ quan điều tra sẽ không tìm ra chứng cứ chứng minh. Sau đó, khi cơ quan điều tra phát hiện điện thoại của Vỹ có nhiều cuộc gọi từ một sim rác. Đặc biệt, số này nhắn cho cậu bé chỉ ít phút trước thời điểm nạn nhân bị giết. Tiến hành điều tra, cảnh sát xác định chủ sim điện thoại này là Dương. Ngày 10/7, lần thứ hai bị triệu tập, Dương ăn mặc chỉnh tề và có mặt rất đúng giờ dù hôm ấy mưa rất to. Khi cảnh sát đưa ra những nghi vấn, Dương thừa nhận đã nhắn tin cho Vỹ nhưng chỉ để nhờ cậu bé lấy trộm điện thoại của người yêu cũ vì có nhiều “kỷ niệm” thời yêu nhau. Anh ta một mực khẳng định rất yêu Linh, thề thốt không thể gây ra án mạng với gia đình cô gái.
“Việc quan trọng là xác minh được nghi can để đối chiếu, gỡ được nút thắt của vụ án. Đối chiếu với kết quả giám định mẫu giày, bộ gen, vân tay… thu tại hiện trường thì hoàn toàn trùng khớp với Dương”.
Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến – Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Bộ Công an (C45) – đưa ra những bằng chứng khi trực tiếp làm việc với Dương. Không còn vẻ bình tĩnh như lúc đầu, Dương suy sụp hẳn, bày tỏ thái độ ăn năn khi thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Hắn cũng khai ra đồng phạm Vũ Văn Tiến (bạn làm chung tại xưởng gỗ). Một tổ công tác đặc biệt của Ban chuyên án được lệnh vây bắt Tiến ở huyện Hóc Môn, TP HCM, chiều 10/7.
Nói về động cơ gây án, Dương cho biết có quan hệ tình cảm với Linh suốt một thời gian dài. Gần đây, cha mẹ Linh ngăn cản vì cho rằng gia cảnh nghèo khó của Dương không xứng với họ. Khoảng tháng 4, Dương phát hiện Linh có bạn trai mới nên nảy sinh ý định cướp tài sản, giết cả nhà Linh để trả thù.
Như vậy, chúng ta có thể thấy lời khai của người phạm tội, của bị can phụ thuộc vào diễn biến điều tra, chứng cứ, tài liệu mà cơ quan điều tra thu thập được. Nếu không có chứng cứ, người phạm tội chưa bị khởi tố, bị can thường quanh co chối tội, đến khi chứng cứ, tài liệu đầy đủ tâm lý của họ sẽ chuyển sang một chiều hướng khác và cuối cùng là khai nhận hoàn toàn hành vi tội phạm của mình.
2.1.2. Trạng thái lo lắng, hoang mang, bi quan, chán chường, thất vọng
Nhiều người phạm tội chưa bị khởi tố và bị can (sau khi bị khởi tố) rơi vào trạng thái tâm lý bi quan, chán chường, thất vọng.
Người phạm tội chưa bị khởi tố có trạng thái này do họ nghĩ rằng cơ quan điều tra sẽ điều tra ra hành vi phạm tội mà họ đã thực hiện, đã bị bắt là cuộc đời đã hết, không còn tương lai, mọi hy vọng đều sụp đổ. Bị can sau khi khởi tố chán chường, thất vọng về chính bản thân mình đã để bị phát hiện, chứng cứ, tài liệu buộc tội họ đã có, sự trừng phạt nặng là điều không thể tránh khỏi. Do đó, ở cả hai loại người này đều đều có thái độ phó mặc cho số phận, không quan tâm đến hoạt động điều tra. Trạng thái tâm lý này là biểu hiện dạng tâm lý tiêu cực điển hình làm cho bị can không còn hưng phấn với tác động xung quanh. Đối với công tác lấy lời khai người phạm tội chưa bị khởi tố, hỏi cung bị can, trạng thái tâm lý này là rất bất lợi, người phạm tội chưa bị khởi tố, bị can thường từ chối giao tiếp, từ chối khai báo nên việc lấy thông tin từ họ vô cùng khó khăn. Muốn tiến hành lấy lời khai, hỏi cung họ, cán bộ điều tra phải bằng mọi cách tác động đưa họ ra khỏi trạng thái chán chương, thất vọng.
Ví dụ: Bị can A bị khởi tố về tội giết người, nhận thức của bị can là phạm tội giết người chắc chắn phải tử hình, như vậy là kết thúc cuộc đời ở đây. Bị can trở nên bi quan, chán chường phó mặc cho số phận, không còn quan tâm, tha thiết với điều gì nữa. Hay người bị buộc tội cũng vậy, giả sử B là người bị buộc tội về tội danh hiếp dâm trẻ em. B cảm thấy vô cùng thất vọng vì không che dấu được tội danh của mình. Một khi tội danh bị cơ quan điều tra phát hiện rồi bị kết án, B sẽ bị gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm láng giềng giè bỉu, khinh bỉ. Vào tù B sẽ bị những phạm nhân khác coi thường. Đó là tâm lý nhục nhã mà B phải chịu đựng. Như vậy, dù là người bị buộc tội hay bị can thì tâm lý chung của họ đều là bi quan, chán chường, thất vọng.
2.1.3. Tâm lý che dấu tội phạm
Việc thực hiện hành vi phạm tội đưa người phạm tội và bi can đến chỗ đối đầu với người bị hại, gia đình người thân thích của người bị hại, xã hội, với pháp luật và họ ý thức hoặc bi đe dọa rằng mình phải chịu một hình phạt nghiêm khắc của pháp luật. Từ đó dẫn đến việc người phạm tội luôn lo sợ bị phát hiện và bị trừng trị, lo sợ đánh mất địa vị và tiền đồ của mình lo sợ cuộc sống tù đầy mất tự do… Cho nên sau khi thực hiện tội phạm, khi thấy hành vi của mình vẫn chưa bị lôi ra ánh sáng người phạm tội và bị can hy vọng rằng họ có thể lẩn tránh được sự phát hiện và trừng trị của pháp luật. Đối với bị can việc che dấu tội phạm thường diễn ra ở giai đoạn đầu trong quá trình điều tra kể từ thời điểm có quyết định khởi tố bị can. Họ tìm mọi cách để đối phó với cơ quan bảo vệ pháp luật. Họ cố nhớ lại quá trình chuẩn bị và thực hiện tội phạm để phát hiện, phân tích, đánh giá những sơ suất của bản thân trong quá trình đó; tìm cách lý giải các tình huống nếu bị hỏi tới; phán đoán, nhận định về hoạt động của cơ quan điều tra …điều này làm cho tư duy của người phạm tội và bị can trở nên căng thẳng vì phải đấu tranh với cơ quan điều tra.
Ví dụ: Vụ án sát hại nữ sinh lớp 9, giấu xác trong thùng xốp ở chung cư Hà Đô. Người phạm tội là Nguyễn Phạm Quốc Bình (SN 2001), nạn nhân là Nguyễn Thị Thu H (SN 2002). Sau khi thực hiện hành vi phạm tội giết chết H, Bình vì lo sợ hoang mang hành vi của mình sẽ bị mọi người phát hiện nên tìm cách che dấu tội phạm bằng việc giấu thi thể của H vào thùng xốp cột chặt lại để ở một vị trí khuất ở tầng 6 chung cư.
Ví dụ: Vào 22h ngày 20/1/2107 A trộm cắp tài sản trong nhà của B trị giá 20 triệu đồng. Cơ quan điều tra đã có đầy đủ chứng cứ và ra quyết định khởi tố bị can A. Trong những lần hỏi cung ban đầu vì cho rằng cơ quan điều tra chưa biết được hành vi phạm tội của mình sợ lo lằng nếu khai về hành vi pham tội của mình thì sẽ chịu hình phạt nghiêm khắc, sợ bị phạt tù nên A đã đưa ra những lời khai nhằm che giấu hành vi phạm tội của mình như: 22h ngày 20/1/2017 A đang ngồi uống rượu với anh họ của mình là C , hoặc đang ở nhà của D là bạn thân lâu năm của A…
Trong nhiều trường hợp người phạm tội, bị can nhận thức được ý nghĩa và hậu quả của hành vi phạm tội, họ có thể có những ăn năn, hối hận. Điều này làm cho người phạm tội, bị can cảm thấy lỗi lầm hối hận lương tâm dằn vặt, tự trách bản thân… dẫn đến việc họ có thể đi tự thú, hợp tác với cơ quan có thẩm quyền khai báo một cách thành thật về hành vi phạm tội của mình.
2.1.4. Luôn luôn đấu tranh tâm lý bên trong giữa việc nhận tội, chối tội, che giấu tội phạm
Thông thường, Người phạm tội chưa bị khởi tố, bị can thường có mâu thuẫn nội tâm giữa hai khuynh hướng đối lập nhau. Một mặt, họ muốn thừa nhận với cơ quan điều tra về hành vi phạm tội của mình. Mặt khác, họ muốn trốn tránh, không thừa nhận tội phạm mà mình đã thực hiện. Sở dĩ, họ có tâm lý đó là vì:
– Việc người phạm tội, bị can có tâm lý muốn nhận tội xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Kể cả trước hay sau khi bị khởi tố, ở nhiều bị can xuất hiện trạng thái đau khổ, hối hận về hành vi phạm tội của mình, sau khi phạm tội thường nhận thức được sai lầm của mình, do đó rất ân hận về hành vi của mình và có mong muốn được sửa chữa, khắc phục hậu quả.
– Bên cạnh đó, việc người phạm tội chưa bị khởi tố, bị can đấu tranh giữa việc nhận tội hay chối tội, che giấu tội phạm cũng có thể hình thành từ việc họ có suy nghĩ rằng nếu như cơ quan điều tra đã thu thập được chứng cứ và những thông tin cần thiết để kết tội mình thì tốt hơn hết là mình nên nhận tội để được giảm nhẹ hình phạt, hưởng khoan hồng. Nhưng nếu cơ quan điều tra chưa thu thập được thông tin gì thì tội gì mình phải nhận tội? Vì thế cho nên họ có tâm lý mâu thuẫn giữa việc nhận tội và chối tội.
– Ngoài ra, khi bị tạm giữ, tạm giam, có thể người phạm tội chưa bị khởi tố, bị can đã có suy nghĩ muốn nhận tội nhưng có nhiều nguyên nhân tác động đến làm cho họ có tâm lý không muốn nhận tội mà tìm cách che giấu hành vi phạm tội của mình.
+ Người phạm tội chưa bị khởi tố, bị can có niềm tin vào khả năng che giấu tội lỗi của mình sẽ không bị ai phát hiện nên quyết không nhận tội. Đây là nguyên nhân rất phổ biến ở nhiều bị can và là nguyên nhân tâm lý phức tạp nhất bởi xuất phát từ niềm tin bên trong của bị can. Bị can tin rằng nếu mình không khai báo, không thừa nhận hành vi phạm tội của mình thì cơ quan điều tra sẽ không có đủ chứng cứ để kết tội, do đó có thể trốn tránh một phần trách nhiệm. Hoặc bị can tin rằng bằng việc việc khai báo gian dối có thể dẫn hoạt động điều tra đi chệch hướng, tội lỗi của bị can sẽ không bị phát hiện vì sự thật không được tìm ra.
+ Người phạm tội chưa bị khởi tố, bị can sợ làm liên lụy, ảnh hưởng uy tín, danh dự, quyền lợi của gia đình, người thân của họ. Mặc dù rất muốn nhận tội nhưng bị can sợ việc khai nhận sự thật, thừa nhận tội lỗi thì vợ con, gia đình sẽ bị mọi người xung quanh khinh rẻ, hàng xóm coi thường, con cái bị bạn bè chê cười,… sợ ảnh hưởng đến uy tín cha mẹ, vợ hoặc chồng, sợ làm liên lụy đến người thân vì thông thường những người thân của bị can đều ít nhiều liên quan hoặc biết hành vi phạm tội của họ.
+ Người phạm tội chưa bị khởi tố, bị can sợ bị đồng bọn trả thù. Một trong những nguyên nhân tâm lý của việc bị can có mâu thuẫn giữa việc nhận tội và chối tội là bị can sợ nếu bị can nhận tội, khai báo toàn bộ sự thật sẽ bị đồng bọn trả thù. Loại nguyên nhân này thường gặp ở những bị can của những vụ đồng phạm, những bị can là thành viên của các ổ nhóm tội phạm. Khi bị bắt, nhiều bị can muốn khai báo để hưởng khoan hồng song lại sợ nếu mình là người khai báo, thừa nhận tội phạm trước, khi về buồng giam hoặc sau này sẽ bị “đại ca” hoặc đồng bọn “xử lý” do đó thường có xu hướng đấu tranh tâm lý giữa nhận tội và chối tội.
2.1.5. Tâm lí chối tội cho mình, đổ lỗi cho đồng phạm
Bị can sau khi khởi tối bị can và người phạm tội khi chưa khởi tố bị can đều có tâm lí chối tội cho mình, đổ lỗi cho đồng phạm
Ban đầu họ có tâm lí rằng điều tra viên chưa hề biết hết về hành vi phạm tội của mình nên chúng cố tình không khai báo về những vấn đề mà chúng cho rằng điều tra viên không biết, họ cố tình chối tội của mình để không phải chịu những trách nhiệm hình sự mà họ nghĩ nếu không chối tội thì họ sẽ phải gánh chịu. Vì vậy, đa số những người này thường chối tội, không thú nhận những hành vi mà mình đã gây ra để nhằm che dấu những hành vi phạm tội của mình.
Bên cạnh đó họ còn có tâm lí đổ lỗi cho đồng phạm. Tâm lý chỉ lo lắng cho mình sao cho càng nhẹ tội càng tốt, không lo cho đồng bọn, tư tưởng “ai có thân người đấy lo”, không muốn khai báo về bản thân mình, dễ khai báo về đồng bọn. Đa số các vụ án xảy ra có đồng phạm thường xuất hiện những yếu tố tâm lí này. Trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội, họ yên tâm vì mỗi người đảm đương một phần công việc. Hoặc họ tin rằng nếu có bại lộ thì tất cả đều phải chịu tội chứ không phải riêng một mình mình. Đến khi bị bắt, họ lại quanh co chối tội cho mình và đổ lỗi cho đồng phạm. Sở dĩ họ đổ tội cho đồng bọn vì họ lo lắng cho chính bản thân. Đây là một điều dễ hiểu và nghĩ rằng nếu đổ tội cho đồng bọn thì trách nhiệm hình sự của họ sẽ được giảm nhẹ đi.
Ví dụ: Trường hợp Nguyễn Thị Chuyền, Lê Thị Kiến Lanh trong vụ án Nguyễn Thị Chuyền cùng đồng bọn tang trữ, lưu hành tiền giả. Để trốn tránh trách nhiệm Lanh đổ tội cho Chuyền là rủ rê, lôi kéo Lanh phạm tội. Nếu không có Chuyền đưa ra tờ 5.000Đ giả giống như thật thì Lanh đâu có ý đồ mua tiền giả với số lượng lớn để lưu hành. Còn Chuyền lại đổ tội cho Nguyễn Đức Thuận, vì có Thuận, Chuyền mới biết tiền giả và tin theo lời Thuận rằng tiền in như thật thì sợ gì bị phát hiện. Hơn nữa vì kinh tế, vì lòng tham Chuyền chấp nhận đổi tiền thật lấy tiền giả để lưu hành với tỷ lệ 10/14. Như vậy trong vụ án này có ba người thực hiện hành vi tội phạm, khi thực hiện hành vi, chúng cấu kết chặt chẽ, thông đồng với nhau, nhưng đến khi bị bắt chúng lại đổ tội cho nhau vì tâm lý muốn thoát tội hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
2.2. Những đặc điểm tâm lý khác nhau giữa bị can sau khi bị khởi tố và đặc điểm tâm lý người phạm tội chưa bị khởi tố bị can
2.2.1. Đặc điểm tâm lý người phạm tội chưa bị khởi tố
– Muốn né tránh, không gặp gỡ người tiến hành tố tụng
Không ít trường hợp, người phạm tội chưa bị khởi tố không muốn tiếp xúc với Điều tra viên vì họ cho rằng họ phạm tội mà chưa bị khởi tố tức là Cơ quan điều tra chưa có chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của họ, vậy là họ vẫn an toàn, vẫn có cơ hội thoát tội. Do đó không khai nhận là phương án tốt nhất. Và vì không muốn khai nhận dẫn đến họ không muốn gặp gỡ Điều tra viên. Họ cho rằng khi đã gặp gỡ Điều tra viên, bằng kinh nghiệm nghề nghiệp Điều tra viên sẽ phát hiện ra những sơ hở đó có thể làm lộ những tình tiết của vụ án mà người ấy không ngờ tới.
– Mong muốn không bị phát hiện hành vi phạm tội
Sau khi thực hiện hành vi phạm tội, người phạm tội thường tìm mọi cách che dấu hành vi mà mình đã thực hiện. Mong muốn này xuất phát từ tâm lý lo sợ phải chịu trách nhiệm hình sự do hành vi mà mình đã gây ra. Người phạm tội nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật, nguy hiểm cho xã hội và nếu hành vi đó bị phát hiện thì họ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Người phạm tội có thể có các hành vi như xóa dấu vết, tiêu hủy đồ vật, tài liệu, liên quan đến hành vi phạm tội, tạo hiện trường giả, ngụy tạo chứng cứ… Thậm chí người phạm tội có thể trở nên liều lĩnh, tìm mọi cách che dấu hành vi của mình (ví dụ như trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi trộm cắp tài sản, trong lúc thực hiện hành vi thì bị chủ nhà phát hiện nên giết cả chủ nhà).
Nói như vậy không có nghĩa là bị can không mong muốn che dấu tội phạm của mình. Bất cứ ai khi thực hiện hành vi phạm tội cũng đều không muốn bị phát hiện cũng giống như người bình thường khi làm việc xấu không muốn để ai biết. Tuy nhiên đặc điểm tâm lý này của người phạm tội chưa khởi tố nổi trội hơn so với bị can. Vì bị can khi bị khởi tố tức là cơ quan tiến hành tố tụng đã nắm được những căn cứ xác định hành vi của họ theo Điều 179 Bộ luật tố tụng hình sự, họ có muốn che dấu thì cũng không che dấu được toàn bộ hành vi phạm tội của mình nữa. Có chăng chỉ là sự che dấu một phần do cơ quan tiến hành tố tụng chưa có đầy đủ chứng cứ chứng minh chẳng hạn. Mục đích che dấu của người phạm tội chưa bị khởi tố là nhằm thoát tội còn mục đích che dấu của bị can là nhằm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Do vậy, đây có thể coi là đặc điểm tâm lý khác biệt của hai đối tượng nêu trên.
– Người phạm tội thường ngoan cố, cố tình khai báo sai sự thật
Trước khi khởi tố, cơ quan tiến hành tố tụng chưa thu thập đủ các chứng cứ, tài liệu, đồ vật để chứng minh ai là người đã thực hiện hành vi phạm tội. Do đó, vì chưa bị phát hiện, người phạm tội thường tìm mọi cách để che giấu hành vi của mình. Khi được lấy lời khai, họ thường phủ nhận hành vi của mình, chối bỏ các chứng cứ mà cơ quan điều tra đã thu thập được, hoặc cố tình khai báo gian dối, đánh lạc hướng, gây khó khăn cho việc làm rõ sự thật khách quan của vụ án.
2.2.2. Đặc điểm tâm lý của bị can
– Muốn tiếp xúc, gặp gỡ cán bộ điều tra
Thông thường trong hoàn cảnh tố tụng, bị can thường có mâu thuẫn nội tâm do hai khuynh hướng đối lập nhau: vừa muốn tiếp xúc gặp gỡ cán bộ điều tra để thăm dò, tìm hiểu sự hiểu biết của cơ quan điều tra và tiến trình điều tra, vừa muốn né tránh, không gặp gỡ cán bộ điều tra vì sợ bộc lộ “sơ hở”. Nhưng trong điều kiện hiện nay, bị can không còn né tránh, mà mong muốn tiếp xúc, gặp gỡ sớm cán bộ điều tra để đề đạt nguyện vọng cá nhân hoặc tìm hiểu về tâm lí cán bộ điều tra, về những người tiến hành tố tụng và hy vọng “bàn bạc, thỏa thuận” về cách giải quyết những vấn đề của bị can.
Biểu hiện tâm lí này xét theo mục đích của bị can là tiêu cực bởi vì mong muốn của bị can hướng tới hy vọng nhằm chạy tội, gỡ tội, bằng những “thỏa thuận”, bằng sự “ giúp đỡ nào đó” nên bị can sẽ khai báo nhỏ giọt, quanh co. Nhưng về mặt khách quan, điều này phản ánh thái độ của bị can có quan tâm, có hưng phấn hướng tới hoạt động điều tra, là một cơ sở quan trọng để cán bộ điều tra có thể tiến hành những tác động tâm lí tới bị can, phục vụ cho mục đích hỏi cung.
Ví dụ:
Anh Nguyễn Văn A bị khởi tố vì tội cố ý gây thương tích, đã bị khởi tố, đang bị tạm giam. Trong khoảng thời gian này, anh A thường xuyên lo lắng bồn chồn, xin gặp điều tra viên nhiều lần để thăm dò tình hình nạn nhân đã tỉnh dậy hay chưa, nếu đã tỉnh dậy thì đã khai như thế nào với điều tra viên. Vì anh A ngoài hành vi gây thương tích cho nạn nhân thì anh ta còn có ý định giao cấu nạn nhân nhưng không thành nên đã đánh nạn nhân bị thương nặng.
– Mong muốn được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, giảm nhẹ hình phạt
Đây là đặc điểm tâm lí bao trùm, chi phối các đặc điểm khác ở bị can. Trong thực tế, đa số các bị can đều có mong muốn được giảm hình phạt. Mong muốn này đã chi phối các đặc điểm tâm lý khác và làm nảy sinh ở những bị can khác nhau những thái độ khai báo khác nhau. Đối với những bị can phạm tội lần đầu, phạm tội do lỗi vô ý, hoặc do bị lôi kéo, cưỡng ép hoặc do kém hiểu biết pháp luật mà phạm tội thì mong muốn này thường thúc đẩy bị can khai báo thành khẩn để hưởng lượng khoan hồng. Nhưng đa số các bị can khác, đặc biệt là cá bị can chuyên nghiệp, lưu manh, côn đồ, những bị can phạm tội cố ý và không bị bắt quả tang, thì mong muốn này lại thúc đẩy chúng khai báo quanh co, chống đối, tìm cách thông cung, chạy tội ngay cả khi cơ quan điều tra đã có đủ tài liệu làm rõ hành vi phạm tội của chúng.
Ví dụ: Nạn nhân là cháu K. (SN 1994), trú xã Thành Hải, TP.Phan Rang (Ninh Thuận). Do gia đình cháu K. là phật tử của chùa Từ Vân, nhưng là hộ nghèo nên từ năm 2006, ông Nguyễn Nhanh (Pháp danh Thích Thông Anh) nhận cháu K. về chùa nuôi dưỡng. Ngày 27/12/2009, cháu K kể với mẹ rằng từ năm 2007 đến năm 2009, cháu K. thường xuyên bị “sư phụ” này ép quan hệ tình dục, khi thì ngay tại chùa Từ Vân, lúc lại ở nhà riêng của nhà sư, tại xã Cam Thịnh Tây, TP.Cam Ranh. Bà Hà làm đơn tố cáo đến Cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Ninh Thuận. Do vụ việc xảy ra tại chùa Từ Vân, nên Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Ninh Thuận tiếp nhận và lập hồ sơ chuyển đến Cơ quan CSĐT Công an TP.Cam Ranh để xử lý theo quy định của pháp luật.
Biết được thông tin, ngay lập tức, nhà sư Thích Thông Anh đã cùng với 4 thầy tu khác của chùa Từ Vân thường xuyên đến gia đình nạn nhân tại thôn Tân Sơn 2, xã Hải Thành, TP.Phan Rang để “thương lượng”, xin khắc phục hậu quả và đề nghị gia đình nạn nhân rút đơn tố cáo. Nhưng gia đình nạn nhân không chấp nhận “thương lượng” của nhà chùa, mà nhờ giúp đỡ của Trung tâm Tư vấn pháp luật thuộc Hội Luật gia tỉnh Ninh Thuận và được Luật sư Hứa Thanh Ka trực tiếp tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp miễn phí. Sau nhiều lần “đàm phán”, thấy nhà sư này có thái độ ăn năn, hối cải, đồng thời cam kết sẽ nguyện tịnh tu theo đạo pháp của nhà Phật; đồng thời xin bồi thường cho nạn nhân 200 triệu đồng để khắc phục hậu quả, do hành vi giao cấu với cháu K. Luật sư Ka đã thuyết phục gia đình nạn nhân bỏ qua vụ kiện, trực tiếp nhận 200 triệu đồng từ tay nhà sư, đồng thời rút đơn tố cáo. Do đó, Cơ quan CSĐT Công an TP.Cam Ranh phải tạm xếp hồ sơ.
– Bị can nhận thức pháp luật và nhận thức hành vi phạm tội của mình sẽ rõ ràng, đầy đủ hơn.
Sau khi có quyết định khởi tố bị can; sau một khoảng thời gian điều tra, chứng minh của cơ quan điều tra cũng như sau khi tiếp xúc với cán bộ điều tra, với điều tra viên, luật sư,…; được điều tra viên giải thích quyền và nghĩa vụ của mình;… thì bị can cũng phần nào nhận thức pháp luật cũng như nhận thức về hình vi phạm tội của mình một cách rõ ràng hơn, nâng cao hiểu biết của mình, sẽ biết được mình có quyền gì và phải thực hiện nghĩa vụ như thế nào, nắm rõ hơn về các quy định của pháp luật, biết hành vi của mình có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội và chịu hình phạt như thế nào theo quy định của pháp luật.
– Bị can hợp tác hơn với cơ quan có thẩm quyền
Sau khi khởi tố bị can, bên cạnh việc hiểu rõ về pháp luật cũng như hiểu rõ về hành vi phạm tội của mình, bị can cũng có thể thay đổi tư duy của bị can theo hướng tích cực khi bị can biết rằng hành vi của mình phạm vào tội mà BLHS quy định là tội phạm. Không chỉ đưa ra những chứng cứ buộc bị can khuất phục, thành khẩn khai báo, Điều tra viên, luật sư, người thân dùng những lời lẽ để giải thích, khuyên bảo bị can giúp cho bị can nhận rõ đúng sai, phải trái, thiệt hơn về những vấn đề liên quan đến họ, làm thay đổi cách nhìn nhận và thái độ, cũng như giúp họ hình thành cách nhìn mới, thái độ khai báo đúng đắn, hợp tác hơn. Với một mong muốn có thể quay trở về sớm hơn với gia đình, người thân, trở về với xã hội để làm lại từ đầu. Đây là điểm khác biệt so với người phạm tội chưa bị khởi tố, nếu người phạm tội còn cố gắng chống trả, còn ngoan cố thì sau khi khởi tố, thái độ của bị can về cơ bản đã hợp tác hơn.
Ví dụ: Sau nhiều lần tiếp xúc với cơ quan điều tra, biết được khi mình thành khẩn khai báo với cơ quan, người có thẩm quyền thì có thể được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại Điểm s Khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015: “người phạm tội thành khẩn khai báo và ăn năn hối cải”. Vì vậy, bị can thành khẩn khai báo, hợp tác hơn với cơ quan điều tra để mong muốn có thể giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của mình.
2.3. Nguyên nhân dẫn đến tâm lý của bị can và người phạm tội có những điểm giống và khác nhau
2.3.1. Nguyên nhân dẫn đến tâm lý giống nhau
Thứ nhất, hoàn cảnh phạm tội là khái niệm chỉ những yếu tố thúc đẩy, tạo điều kiện cho người phạm tội có hành vi phạm tội. Chẳng hạn: phạm tội do bị lôi kéo, xúi giục, dụ dỗ, ép buộc, túng thiếu, cùng quẫn, thù hận, do cá nhân tự ý… mà phạm tội.
Thứ hai, hoàn cảnh bị bắt hoặc bị phát hiện. Vì bị bắt hoặc bị phát hiện ra hành vi phạm tội của mình mà họ có chung một đặc điểm tâm lý là lo sợ, hoang mang, chán chường, thất vọng. Tuy nhiên sau trạng thái tâm lý đó, đa phần họ bình tĩnh lại, muốn tìm cách bỏ trốn, khai báo quanh co nhằm trốn tội.
Thứ ba, hậu quả của tội phạm thường được xem xét trên kết quả trực tiếp cuẩ hành vi phạm tội xâm phạm đến khách thể nào, mức độ xâm hại ra sao. Sauk hi thực hiện tội phạm, họ thường bị ám ảnh bởi hậu quả do hành vi của mình gây ra. Do vậy, tâm lý đau khổ, dằn vặt là đặc điểm chung của hai đối tượng này.
Tóm lại, nguyên nhân chính gây ra những đặc điểm tâm lý như trên của người phạm tội chưa bị khởi tố và bị can đó là tâm lý phạm tội. Người không phạm tội sẽ có tâm lý hoàn toàn khác với người phạm tội. Dù có thể bị bắt, tạm giữ, tạm giam nhưng nếu không thực hiện hành vi phạm tội họ sẽ không có đặc điểm tâm lý như trên.
2.3.2. Nguyên nhân dẫn đến tâm lý khác nhau
Thứ nhất, bị can bị bắt trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt quả tang khi đang thực hiện tội phạm tức là cơ quan điều tra đã thu được những chứng cứ rõ ràng, đầy đủ làm căn cứ để khởi tố bị can. Do vậy, bị can đã mất đi niềm tin che dấu tội phạm chỉ còn mong muốn giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, hình phạt. Bị can bị bắt theo lệnh truy nã sẽ có thái độ lì lợm, ngoan cô do dự kiến sẵn trường hợp mình bị bắt. Điều này ta sẽ ít thấy ở người phạm tội chưa bị khởi tố.
Thứ hai, tình trạng bị khởi tố và áp dụng các biện pháp ngăn chặn khác. Từ khi bị khởi tố, bị tước đi một số quyền tự do, nhiều nhu cầu bị hạn chế, không được tiếp xúc với người xung quanh, phải tập thích nghi với môi trường sinh hoạt mới, bị điều tra, hỏi cung liên tục,… bị can sẽ diễn ra những thay đổi trong nhận thức, tâm lý và từ đó khác hẳn với tâm lý của người phạm tội chưa bị khởi tố.
Tóm lại, chính vị thế bị khởi tố, chưa bị khởi tố đã tác động mạnh mẽ gây ra những biến đổi tâm lý khác biệt giữa bị can và người phạm tội chưa bị khởi tố.
2.4. Ý nghĩa của việc so sánh, tìm hiểu đặc điểm tâm lý của người phạm tội, bị can
Đặc điểm tâm lý của người phạm tội, bị can sẽ ảnh hưởng rất nhiều, có vai trò quan trọng đến việc xác định tình tiết khách quan cũng như việc giải quyết vụ án.
Trong quá trình tố tụng nói chung và trong quá trình điều tra, hỏi cung, lấy lời khai,… nói riêng thì “người phạm tội và bị can có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình có tội” mà “trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng, nên khi tôn trọng các quyền của bị can, người phạm tội thì người tiến hành tố tụng được phép áp dụng mọi biện pháp hợp pháp xác minh sự thật khách quan của vụ án”. Khi tìm hiểu, so sánh đặc điểm tâm lý của người phạm tội và bị can, người tiến hành tố tụng sẽ thấy được những đặc điểm tâm lý tích cực (bình tĩnh, tự tin, muốn khai báo, ăn nan hối cải) và đặc điểm tâm lý tiên cực (bi quan, thất vọng, ngoan cố, khai báo sai sự thật, sợ bị phạt năng,..) của người phạm tội, bị can. Người tiến hành tố tụng sẽ sử dụng những phương pháp tác động tâm lý đến người phạm tội, bị can nhằm duy trì thái độ tâm lý tích cực, triệt tiêu, loại bỏ những thái độ tâm lý tiêu cực để có thể khai thác thông tin hiệu quả, chính xác hơn và giúp cho việc giải quyết vụ án nhanh chóng, toàn diện hơn.
+ Khi thấy bị can có thái độ tích cực trong đặc điểm tâm lý, người tiến hành tố tụng sử dụng biện pháp nhằm kích động tình cảm, lòng tự trọng để bị can sĩ diện vì danh dự, vì tự ái cá nhân mà cố gắng khai báo, mô tả một cách tỉ mỉ, chi tiết chính xác vấn đề mà người tiến hành tố tụng còn hoài nghi về khả năng của nó. Khơi dậy những tình cảm tích cực để làm động lực khiến họ hợp tác: tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa, tình người với nhau,… từ đó cố gắng khai thác thông tin triệt để. Khi bị can, người phạm tội mong muốn tìm hiểu sự hiểu biết của cơ quan điều tra về nội dung, tình tiết của vụ án thì người tiến hành tố tụng lợi dụng đặc điểm tâm lý hưng phấn của người phạm tội, bị can rất muốn tiếp xúc, giao tiếp với người tiến hành tố tụng, do đó, người tiến hành tố tụng tiến hành khai thác thông tin thật cẩn trọng, tránh tạo sơ hở để lộ tình tiết, nội dung đã biết của vụ án đồng thời bình tĩnh, khéo léo khai thác thông tin nhằm giải quyết được vụ án.
+ Khi thấy bị can, người phạm tội có thái độ tiêu cực như thất vọng, bi quan, lo lắng thì người tiến hành tố tụng cần tác động gợi cho bị can về tương lai, đưa tới cho bị can sự an ủi cần thiết để kéo bị can ra khỏi tâm trạng thất vọng, từ đó dẫn tới hành động khai báo đúng đắn
+ Đặc điểm tâm lý của bị can sẽ rất dễ thay đổi từ đặc điểm tâm lý này sang đặc điểm tâm lý khác. Người tiến hành tố tụng cần phải nhanh nhạy nắm được sự thay đổi trạng thái cảm xúc thể hiện ra bên ngoài (mồ hôi, giọng nói, khuôn mặt, cử chỉ,…) để có thể tác động phù hợp đẩy nhanh sự hợp tác, tìm đc sơ hở để xác định tình tiết vụ án. Đồng thời khi đặc điểm tâm lý thay đổi (ví dụ từ tâm lí chối tội, đổ lỗi cho đồng phạm, sau đó lại cảm thấy lo lắng, hoang mang), người tiến hành tố tụng có thể phát hiện ra sự gian dối trong lời khai của bị can, người phạm tội.
Khi tìm hiểu về các đặc điểm tâm lý của người phạm tội cũng như bị can, người tiến hành tố tụng có thể có những phương pháp tác động tâm lý đến người phạm tội, bị can nhằm thiết lập sự cởi mở, gần gũi trong quan hệ tâm lý giúp họ hình thành thái độ khai báo trung thực, đầy đủ về hành vi phạm tội của bản thân họ và đồng bọn.
III. Kết luận
Có thể thấy rằng đời sống tâm lý của người phạm tội chưa bị khởi tố và bị can có những nét tương đồng và khác biệt riêng. Nắm bắt được điểm mấu chốt ấy, người tiến hành tố tụng mà nhất là Điều tra viên cần tìm ra những cách tiếp cận phù hợp để quá trình điều tra trở nên thuận lợi, hiệu quả nhằm đưa những người phạm tội, hành vi phạm tội ra trước ánh sáng.