So sánh các hình thức đầu tư theo hợp đồng

Giống nhau:
– Thứ nhất, chủ thể của hợp đồng BOT, BTO, BT đều gồm một bên là cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam và một bên là nhà đầu tư.
– Thứ hai, đối tượng của hợp đồng BOT, BTO, BT là các công trình kết cấu hạ tầng;
– Thứ ba, cả ba phương thức đầu tư này đều có sự chuyển giao công trình kết cấu hạ tầng từ nhà đầu tư sang cho Nhà nước Việt Nam.
Khác nhau:
– Thời điểm chuyển giao quyền sở hữu công trình.
Hình thức BOT thì nhà đầu tư được xây dựng, kinh doanh công trình kết cấu hạ tầng trong một thời hạn nhất định, sau khi hết thời hạn thì nhà đầu tư chuyển giao không bồi hoàn công trình đó cho Nhà nước Việt Nam.
Hình thức BTO lại đòi hỏi nhà đầu tư xây dựng xong thì phải chuyển giao ngay công trình đó cho Nhà nước Việt Nam, và Chính phủ Việt Nam sẽ dành cho nhà đầu tư quyền kinh doanh công trình đó trong thời hạn nhất định để nhà đầu tư thu hồi vốn và lợi nhuận.
Hình thức BT thì sau khi xây dựng xong, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho Nhà nước Việt Nam, Chính phủ sẽ tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện dự án khác để thu hồi vốn và lợi nhuận hoặc thanh toán cho nhà đầu tư theo thỏa thuận trong hợp đồng.
– Tính bồi hoàn của dự án đầu tư.
BOT, BTO nhà đầu tư sẽ được hưởng lợi nhuận từ chính công trình mà họ thực hiện, Nhà nước không phải bồi hoàn chi phí cho nhà đầu tư.
BT thì Nhà nước có thể bồi hoàn cho nhà đầu tư toàn bộ hoặc một phần giá trị theo sự thỏa thuận trong hợp đồng. Quy định này của Luật Đầu tư 2005 thực sự là một điểm mới hợp lý, bởi theo quy định của pháp luật, nhà đầu tư theo hợp đồng BT sau khi thực hiện xong hợp đồng Nhà nước sẽ tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện dự án khác để thu hồi vốn. Nhưng trường hợp nhà đầu tư không chấp nhận thực hiện dự án mới hoặc việc thực hiện dự án mới không đảm bảo sẽ mang lại lợi nhuận mà nhà đầu tư đáng được hưởng, thì lợi ích của nhà đầu tư sẽ không được đảm bảo. Vì vậy, điều này đã được các nhà làm luật nước ta dự trù trước và quy định cụ thể trong luật.
– Khác nhau về quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư trong hợp đồng:
Nếu như trong Hợp đồng BOT và BTO đều có đủ cả quyền và nghĩa vụ liên quan đến ba hành vi Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao công trình. Thì trong hợp đồng BT chỉ có hai quyền và nghĩa vụ chính là Xây dựng và chuyển giao công trình cho Nhà nước.
– Ưu đãi của nhà nước dành cho nhà đầu tư trong hợp đồng:
Theo quy định tại Nghị định số 108/2009/NĐ – CP Doanh nghiệp BT được hưởng ưu đãi về thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để xây dựng công trình BT theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Doanh nghiệp BT được miễn tiền thuê đất, tiền sử dụng đất đối với diện tích được sử dụng để xây dựng công trình BT trong thời gian xây dựng công trình Trong khi đó cững theo Nghị định này doanh nghiệp BOT và doanh nghiệp BTO ngoài việc được hưởng được hưởng ưu đãi về thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để xây dựng công trình BT theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và được miễn tiền sử dụng đất đối với diện tích đất được Nhà nước giao hoặc được miễn tiền thuê đất trong toàn bộ thời gian thực hiện dự án; doanh nghiệp BOT và BTO còn được hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế TNDN.