Mối quan hệ giữa công chứng giao dịch bảo đảm và đăng ký giao dịch bảo đảm
Giao dịch bảo đảm là gì?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 323, Bộ luật dân sự 2005 (BLDS 2005) thì: “giao dịch bảo đảm là giao dịch dân sự do các bên thỏa thuận hoặc pháp luật quy định về việc thực hiện biện pháp bảo đảm được quy định tại khoản 1 điều 318 của bộ luật này”. Khoản 1 điều 318 BLDS 2005 quy định các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự bao gồm: Cầm cố tài sản, thế chấp tài sản, đặt cọc, ký cược, ký quỹ, bảo lãnh và tín chấp.
Trước hết, giao dịch bảo đảm được hiểu là loại giao dịch dân sự do các bên chủ thể tham gia giao kết hợp đồng tự thỏa thuận hoặc pháp luật quy định. Các giao dịch bảo đảm chỉ phát sinh khi có các quan hệ nghĩa vụ về tài sản phát sinh như: hợp đồng vay tiền, nghĩa vụ thực hiện hợp đồng, chuyển giao tiền, chuyển giao vật, thực hiện hoặc không thực hiện một công việc v.v… Các hợp đồng, giao dịch bảo đảm bắt buộc phải công chứng nếu pháp luật có quy định hoặc theo yêu cầu.
Mối quan hệ giữa công chứng giao dịch bảo đảm và đăng ký giao dịch bảo đảm
Mặc dù xét về bản chất thì công chứng chứng thực giao dịch bảo đảm và đăng ký giao dịch bảo đảm là hai loại việc khác nhau, quan hệ pháp lý khác nhau, các chủ thể tham gia vào các quan hệ pháp lý đó cũng khác nhau nhưng lại có quan hệ gắn bó chặt chẽ, mật thiết với nhau.
Công chứng hợp đồng bảo đảm là việc chứng nhận tính xác thực tính hợp pháp của nội dung các hợp đồng, giao dịch – không vi phạm điều cấm pháp luật và trái đạo đức xã hội – nó bao gồm chuỗi các thủ tục, quy trình chặt chẽ từ khi tiếp nhận yêu cầu công chứng đến khi công chứng viên ký và đóng dấu vào hợp đồng – đó là việc áp dụng pháp luật về nội dung (luật nội dung). Sau khi hợp đồng bảo đảm đã được công chứng, có giá trị pháp lý thì việc đăng ký được thực hiện theo một thủ tục hành chính – đó là việc áp dụng các quy định pháp luật về trình tự, thủ tục (luật hình thức) tại “bộ phận một cửa” của cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm.
Hợp đồng bảo đảm được công chứng theo quy trình thủ tục chặt chẽ, chính xác, chuẩn mực theo quy định của pháp luật thì giúp cho việc cập nhật các thông tin về bất động sản tại cơ quan đăng ký càng đầy đủ, chính xác hơn. Từ đó giúp cho việc cung cấp thông tin của cơ quan đăng ký cho các cá nhân, tổ chức cá nhân có nhu cầu càng kịp thời, đầy đủ và chính xác, thuận lợi hơn nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bất động sản.
Như vậy, có thể nói rằng hai loại việc: công chứng giao dịch bảo đảm và đăng ký giao dịch bảo đảm được thực hiện ở hai cơ quan, tổ chức khác nhau, nhưng có quan hệ khăng khít với nhau, hỗ trợ lẫn nhau, thể hiện tính chuyên môn, chuyên sâu và chuyên nghiệp. Cơ quan tổ chức này hoạt động tốt sẽ dẫn tới cơ quan tổ chức kia hoạt động tốt hơn. Nếu mỗi nhân viên, viên chức của mỗi tổ chức hiểu rõ được chức năng, nhiệm vụ của mình thì sẽ không bị “lấn sân”, tránh gây “phiền hà” cho nhân dân.
>> Xem thêm: Phân biệt thị trường tài chính và thị trường hàng hóa