Trong hệ thống hình phạt trong pháp luật hình sự Việt Nam, hình phạt cải tạo không giam giữ có mức độ nghiêm khắc nặng hơn hình phạt cảnh cáo và hình phạt tiền, nhưng lại là hình phạt nhẹ hơn hình phạt tù có thời hạn. Vậy hình phạt cải tạo không giam giữ là gì?
Định nghĩa Hình phạt cải tạo không giam giữ
Mục Lục:
- Định nghĩa Hình phạt cải tạo không giam giữ
- Điều kiện áp dụng Hình phạt cải tạo không giam giữ
- Tội phạm phải là tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng
- Người phạm tội phải là người có nơi làm việc ổn định và nơi cư trú rõ ràng
- Xét thấy không cần thiết phải cách ly người phạm tội ra khỏi xã hội
- Hậu quả pháp lý của hình phạt cải tạo không giam giữ
- Thời gian tạm giam, tạm giữ được trừ vào thời gian chấp hành cải tạo không giam giữ
- Trường hợp người bị kết án thay đổi nơi cư trú hoặc chuyển nơi công tác trong thời gian chấp hành cải tạo không giam giữ
Hình phạt cải tạo không giam giữ là hình phạt chính có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm. Hình phạt này không tước đi quyền tự do thân thể của người bị kết án. Người phạm tội được cải tạo ngoài xã hội. Dưới sự quản lý, giám sát và giúp đỡ của gia đình, cơ quan, tổ chức và chính quyền địa phương.
Điều kiện áp dụng Hình phạt cải tạo không giam giữ
Người phạm tội có thể bị áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ nếu thỏa mãn đủ các điều kiện sau đây
Tội phạm phải là tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng
Khác với hình phạt cảnh cáo và hình phạt tiền chỉ áp dụng đối với tội ít nghiêm trọng. Hình phạt cải tạo không giam giữ được áp dụng cho cả tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng. Bởi lẽ, hình phạt này có tính chất nghiêm khắc cao hơn hình phạt cảnh cáo và phạt tiền.
Người phạm tội phải là người có nơi làm việc ổn định và nơi cư trú rõ ràng
Đây là cơ sở để Tòa án xem xét, cân nhắc áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ. Người phạm tội phải có nơi làm việc ổn định và nơi cư trú rõ ràng nhằm đảm bảo việc quản lý, giám sát và giúp đỡ của gia đình, cơ quan, tổ chức và chính quyền địa phương đối với người phạm tội trong thời gian cải tạo ngoài xã hội.
Xét thấy không cần thiết phải cách ly người phạm tội ra khỏi xã hội
Khi xem xét điều kiện này, Hội đồng xét xử phải đánh giá một cách toàn diện tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, những đặc điểm về nhân thân người phạm tội để từ đó đánh giá khả năng tự cải tạo, giáo dục của họ tại gia đình, địa phương.
Hậu quả pháp lý của hình phạt cải tạo không giam giữ
Hình phạt cải tạo không giam giữ không tước đi quyền tự do thân thể của người bị kết án. Tuy nhiên tính nghiêm khắc của hình phạt thể hiện thông qua việc quản lý, giám sát của gia đình và địa phương đối với người phạm tội.
Bên cạnh đó, người chịu hình phạt cải tạo không giam giữ mang án tích trong một thời gian 01 năm. Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 70 Bộ luật hình sự 2015.
Trong thời gian chấp hành hình phạt, người bị kết án phải chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật của nhà nước.
Ngoài ra, người bị kết án bị khấu trừ một phần thu nhập từ 5% đến 20% để sung công quỹ nhà nước. Việc khấu trừ này là bắt buộc. Trường hợp đặc biệt, người phạm tội không có thu nhập hàng tháng hoặc thu nhập không đáng kể hoặc hoàn cảnh gia đình khó khăn đặc biệt khác như gia đình đông con,người bị kết án lại là người lao động chính trong gia đình… thì Tòa án có thể miễn việc khấu trừ thu nhập.
Thời gian tạm giam, tạm giữ được trừ vào thời gian chấp hành cải tạo không giam giữ
Theo quy định của Bộ luật hình sự 2015, Thời gian tạm giam, tạm giữ được trừ vào thời gian chấp hành cải tạo không giam giữ. Cứ một ngày tạm giam, tạm giữ được tính là 03 ngày chấp hành cải tạo không giam giữ.
Trường hợp người bị kết án thay đổi nơi cư trú hoặc chuyển nơi công tác trong thời gian chấp hành cải tạo không giam giữ
Trường hợp người bị kết án thay đổi nơi cư trú hoặc chuyển cơ quan nơi công tác đang giám sát thì phải báo cho cơ quan, tổ chức đó và Tòa án nơi người đó bị kết án biết để giao việc giám sát, giáo dục cho chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị mới biết để giao việc giám sát.