Đề thi Chủ thể kinh doanh và phá sản
ĐỀ THI CHỦ THỂ KINH DOANH VÀ PHÁ SẢN
Lớp: Thương mại 38B – Dân sự 38B – Quốc tế 38B
Thời gian làm bài: 90 phút
(Sinh viên chỉ được sử dụng văn bản quy phạm pháp luật)
ĐỀ BÀI:
Câu 1: 4đ
Anh chị hãy cho biết những nhận định sau đây là Đúng hay Sai? Vì sao?
1 – Người thừa kế của thành viên hợp danh chỉ có thể trở thành thành viên hợp danh của công ty nếu được tất cả các thành viên hợp danh còn lại đồng ý.
2 – Cổ đông ưu đãi biểu quyết trong CTCP không có quyền chuyển nhượng cổ phần.
3 – Mọi trường hợp tăng vốn điều lệ cty TNHH hai thành viên trở lên đều làm thay đổi phần vốn góp của các thành viên trong cty.
4 – Chủ nợ của doanh nghiệp, hợp tác xã bị ra quyết định mở thủ tục phá sản không có quyền xây dựng phương án phục hồi hoạt động kinh doanh đối với doanh nghiệp, hợp tác xã đó.
Câu 2: 2đ
Anh chị hãy cho 4 ví dụ về các hình thức của điều kiện kinh doanh?
Câu 3: 4đ
Anh chị hãy cho biết ý kiến của mình về những tình huống sau đây:
1 – Ông Trung đang là thành viên của HTX thương mại dịch vụ Vĩnh Tiến có trụ sở tại huyện Nhà Bè, TP.HCM. Tháng 3/2014, trên địa bàn huyện Nhà Bè có thêm 1 HTX mới được thành lập. Ông Trung làm đơn gia nhập vào HTX mới này nhưng không được Đại hội thành viên của HTX này chấp nhận với lý do ông Trung chỉ có thể lựa chọn để làm thành viên của một HTX mà thôi.
2 – Ông Thuận là giám đốc cty hợp danh Thuận Hải. Tháng 03.2013 ông Thuận nhận chuyển nhượng phần vốn góp của bà Mai là thành viên của Cty TNHH thương mại, dịch vụ Hòa Bình. Sau đó, bà Mai được bổ nhiệm làm giám đốc cty này. Ông Tùng, một thành viên khác của Cty TNHH thương mại, dịch vụ Hòa Bình không đồng ý với việc bổ nhiệm này nên đã yêu cầu Cty mua lại phần vốn góp của mình.
3 – Cty TNHH Bình Minh có trụ sở tại Quận Tân Bình, TP.HCM. Ngày 10.01.2012 theo yêu cầy của một chủ nợ không có bảo đảm của Cty. Tòa án nhân dân TPHCM đã ra quyết định thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản và đến ngày 08.02.2012, Tòa án này ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với Cty TNHH Bình Minh. Ngày 10.02.2012, Ngân hàng A là chủ nợ có bảo đảm của Cty TNHH Bình Minh yêu cầu Tòa án xử lý tài sản có bảo đảm để thu hồi khoản nợ đã đến hạn nhưng Tòa án không đồng ý với lý do việc thu hồi này chỉ được thực hiện khi Tòa án mở thủ tục thanh lý tài sản đối với Cty.
Nguồn: dethiluat.com
Đề tiếp theo: Đề thi PL Chủ thể kinh doanh và phá sản lớp TM 38A – ĐH Luật TPHCM
——————o0o——————
1 – Nhận định:
- Người thừa kế của thành viên hợp danh chỉ có thể trở thành thành viên hợp danh của công ty nếu được tất cả các thành viên hợp danh còn lại đồng ý.
Nhận định sai. Người thừa kế của thành viên hợp danh để trở thành thành viên hợp danh của công ty thì không nhất thiết cần sự đồng ý của các thành viên hợp danh còn lại. Điểm h khoản 1 Điều 176 LDN 2014 có quy định: “Người thừa kế có thể trở thành thành viên hợp danh nếu được Hội đồng thành viên chấp thuận”. Khoản 3 Điều 177 LDN 2014 có quy định:
Hội đồng thành viên có quyền quyết định tất cả công việc kinh doanh của công ty. Nếu Điều lệ công ty không quy định thì quyết định các vấn đề sau đây phải được ít nhất ba phần tư tổng số thành viên hợp danh chấp thuận:
(…) c) Tiếp nhận thêm thành viên hợp danh mới.
Như vậy, điều kiện để người thừa kế của thành viên hợp danh có thể trở thành thành viên hợp danh của công ty là chỉ cần được ít nhất ba phần tư tổng số thành viên hợp danh chấp thuận.
- Cổ đông ưu đãi biểu quyết trong CTCP không có quyền chuyển nhượng cổ phần.
Nhận định đúng. Khoản 3 Điều 116 LDN 2014 có quy định: “Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng cổ phần đó cho người khác”. Như vậy, cổ đông ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng cổ phần ưu đãi biểu quyết. Theo khoản 3 Điều 113 LDN 2014 thì sau thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì cổ phần ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập chuyển đổi thành cổ phần phổ thông. Như vậy, sau 03 năm thì cổ đông ưu đãi biểu quyết có thể chuyển nhượng cổ phần của mình vì lúc này cổ phần ưu đãi biểu quyết đã chuyển thành cổ phần phổ thông, theo điểm d khoản 1 Điều 114 LDN 2014 thì cổ đông phổ thông có quyền “tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 119 và khoản 1 Điều 126 của Luật này”. Tóm lại, cổ đông ưu đãi biểu quyết không có quyền chuyển nhượng cổ phần với điều kiện là 03 năm kể từ ngày CTCP được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Ý kiến khác:
Câu 1.2 Cổ đông ưu đãi biểu quyết trong CTCP không có quyền chuyển nhượng cổ phần.
Là nhận định sai.
Theo khoản 3 Điều 116 LDN 2014, cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng cổ phần đó cho người khác. Luật chỉ không cho chuyển nhượng “cổ phần đó” mà không cấm các cổ phần khác. Một cổ đông có thể sở hữu nhiều loại cổ phần cùng lúc, chẳng hạn sở hữu cổ phần ưu đãi và cổ phần phổ thông thì cổ đông này vẫn có quyền chuyển nhượng cổ phần (đối với cổ phần phổ thông).
Theo khoản 3 Điều 113 LDN 2014, ưu đãi biểu quyết chỉ có hiệu lực trong 3 năm, sau thời hạn đó, cổ phần ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập chuyển đổi thành cổ phần phổ thông. Khi đó, có thể chuyển nhượng cổ phần do đã chuyển đổi thành cổ phần phổ thông. Theo điểm d, khoản 1 Điều 114 LDN 2014, cổ đông phổ thông được tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác.
Tác giả: Trương Thị Mỹ Tiên
- Mọi trường hợp tăng vốn điều lệ của CT TNHH hai thành viên trở lên đều làm thay đổi phần vốn góp của các thành viên trong CT.
Nhận định sai. Khoản 1 Điều 68 LDN 2014 có quy định công ty có thể tăng vốn điều lệ trong hai trường hợp là tăng vốn góp của thành viên và tiếp nhận vốn góp của thành viên mới. Chỉ có trường hợp tăng vốn điều lệ bằng cách tiếp nhận vốn góp của thành viên mới mới làm thay đổi phần vốn góp của các thành viên trong công ty vì lúc này công ty sẽ xuất hiện thành viên mới kéo theo tỷ lệ vốn góp ban đầu sẽ thay đổi theo. Về trường hợp tăng vốn điều lệ bằng cách tăng vốn góp của thành viên, khoản 2 Điều 68 LDN 2014 có quy định: “Trường hợp tăng vốn góp của thành viên thì vốn góp thêm được phân chia cho các thành viên theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong vốn điều lệ công ty.”. Như vậy, tỷ lệ vốn góp giữa các thành viên sẽ không có sự thay đổi trong trường hợp này.
Ý kiến khác:
Câu 1.3 Mọi trường hợp tăng vốn điều lệ của CT TNHH 2 thành viên trở lên đều làm thay đổi phần vốn góp của các thành viên trong công ty.
Là nhận định sai. Theo khoản 1 Điều 68 LDN 2014, thì có thể tăng vốn góp của thành viên và tiếp nhận vốn góp của thành viên mới. Trường hợp tiếp nhận vốn góp của thành viên mới sẽ làm thay đổi phần vốn góp của các thành viên do có thêm thành viên mới kéo theo tỉ lệ vốn góp của các thành viên thay đổi. Theo khoản 2 Điều 68 LDN 2014, trường hợp tăng vốn góp của thành viên thì vẫn có thể làm thay đổi phần vốn góp của các thành viên nếu có thành viên không góp thêm vốn. Khi đó, số vốn góp thêm đó được chia cho các thành viên khác theo tỷ lệ tương ứng, lúc này cũng có sự thay đổi tỉ lệ vốn góp của các thành viên.
Tác giả: Trương Thị Mỹ Tiên
- Chủ nợ của doanh nghiệp, hợp tác xã bị ra quyết định mở thủ tục phá sản không có quyền xây dựng phương án phục hồi hoạt động kinh doanh đối với doanh nghiệp, hợp tác xã đó.
Nhận định đúng. Khoản 1 Điều 87 LPS 2014 có quy định:
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Hội nghị chủ nợ thông qua nghị quyết có nội dung áp dụng thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh thì doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán phải xây dựng phương án phục hồi hoạt động kinh doanh (…)
Như vậy, chủ thể có quyền xây dựng phương án phục hồi hoạt động kinh doanh là doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán. Hội đồng chủ nợ chỉ có quyền đưa ra nghị quyết đề nghị áp dụng thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh chứ không trực tiếp xây dựng phương án phục hồi.
2 – Anh/chị hãy cho 4 ví dụ về các hình thức của điều kiện kinh doanh.
3 – Tình huống:
- Ông Trung đang là thành viên của HTX thương mại dịch vụ Vĩnh Tiến có trụ sở tại huyện Nhà Bè, TP. HCM. Tháng 3/2014, trên địa bàn huyện Nhà Bè có thêm 1 HTX mới được thành lập. Ông Trung làm đơn gia nhập vào HTX mới này nhưng không được Đại hội thành viên của HTX này chấp nhận với lý do ông Trung chỉ có thể lựa chọn để làm thành viên của một HTX mà thôi.
Việc Đại hội thành viên của HTX mới không chấp nhận cho ông Trung gia nhập vào HTX với lý do ông Trung chỉ có thể lựa chọn để làm thành viên của một HTX là không đúng với quy định của pháp luật. Khoản 3 Điều 13 LHTX 2012 có quy định: “Cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân có thể là thành viên của nhiều hợp tác xã”. Như vậy, luật không giới hạn số lượng hợp tác xã mà một người có thể tham gia. Do đó, ông Trung có thể vừa là thành viên của HTX Vĩnh Tiến, vừa có thể trở thành thành viên của HTX mới.
- Ông Thuận là Giám đốc CT hợp danh Thuận Hải. Tháng 3/2013, ông Thuận nhận chuyển nhượng phần vốn góp của bà Mai là thành viên CT TNHH thương mại, dịch vụ Hòa Bình. Sau đó, bà Mai được bổ nhiệm làm Giám đốc CT này. Ông Tùng, một thành viên khác của CT TNHH thương mại, dịch vụ Hòa Bình không đồng ý với việc bổ nhiệm này nên đã yêu cầu CT mua lại phần vốn góp của mình.
Bà Mai muốn chuyển nhượng phần vốn góp của mình tại CT THNN Hòa Bình thì phải tuân thủ trình tự được quy định tại khoản 1 Điều 53 LDN 2014. Theo đó, trước tiên, bà phải “chào bán phần vốn đó cho các thành viên còn lại theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong công ty với cùng điều kiện” theo khoản 1 Điều 53. Nếu các thành viên trong công ty không mua hoặc không mua hết trong thời hạn 30 ngày thì bà mới được “chuyển nhượng với cùng điều kiện chào bán đối với các thành viên còn lại quy định tại điểm a khoản này cho người không phải là thành viên” theo khoản 2 Điều 53, cụ thể trong trường hợp này là chuyển nhượng cho ông Thuận.
Việc ông Thuận là Giám đốc CT hợp danh Thuận Hải nhận chuyển nhượng phần vốn góp của bà Mai là không đúng theo quy định của pháp luật. Trong cơ cấu tổ chức, hoạt động của công ty hợp danh thì theo khoản 3 Điều 177 LDN 2014 có quy định: “Hội đồng thành viên có quyền quyết định tất cả công việc kinh doanh của công ty”. Như vậy, việc nhận chuyển nhượng phần vốn góp phải được Hội đồng thành viên quyết định chứ không phải cá nhân ông. Đây là quyết định về việc nhận chuyển nhượng phần vốn góp, không thuộc những trường hợp được nêu tại khoản 3 Điều 177, vì vậy cần áp dụng khoản 4 Điều 177 LDN 2014 để xem xét điều kiện để Hội đồng thành viên thông qua vấn đề này. Theo đó, “quyết định về các vấn đề khác không quy định tại khoản 3 Điều này được thông qua nếu được ít nhất hai phần ba tổng số thành viên hợp danh tán thành; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định”. Nếu ít nhất 2/3 tổng số thành viên hợp danh tán thành thì việc chuyển nhượng phần vốn góp mới được thông qua.
Khoản 1 Điều 52 LDN 2014 có quy định về các vấn đề thành viên có quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp của mình, nếu thành viên đó đã bỏ phiếu không tán thành đối với nghị quyết của Hội đồng thành viên:
“a) Sửa đổi, bổ sung các nội dung trong Điều lệ công ty liên quan đến quyền và nghĩa vụ của thành viên, Hội đồng thành viên;
b) Tổ chức lại công ty;
c) Các trường hợp khác theo quy định tại Điều lệ công ty.”
Trong trường hợp này, ông Tùng không đồng ý với việc bổ nhiệm bà Mai làm Giám đốc, nếu Điều lệ công ty có quy định về trường hợp người không đồng ý với việc bổ nhiệm chức vụ quản lý, thành viên có quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp của mình thì yêu cầu của ông Tùng mới được chấp thuận.
Tham khảo thêm: Đề thi môn Chủ thể kinh doanh có đáp án tham khảo lớp CLC39B
- CT TNHH Bình Minh có trụ sở tại quận Tân Bình, TP. HCM. Ngày 10/01/2012 theo yêu cầu của một chủ nợ không có bảo đảm của CT, Tòa án nhân dân TP. HCM đã ra quyết định thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Đến ngày 08/02/2012, Tòa án này ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với CT TNHH Bình Minh. Ngày 10/02/2012, Ngân hàng A là chủ nợ có bảo đảm của CT TNHH Bình Minh yêu cầu Tòa án xử lý tài sản có bảo đảm để thu hồi khoản nợ đã đến hạn nhưng Tòa án không đồng ý với lý do việc thu hồi này chỉ được thực hiện khi Tòa án mở thủ tục thanh lý tài sản đối với CT.
Việc Tòa án ra quyết định thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo yêu cầu của chủ nợ không có bảo đảm của công ty là đúng với quy định của pháp luật. Khoản 1 Điều 5 LPS 2014 thì chủ nợ không có bảo đảm có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Đến ngày 08/02/2012, Tòa án này ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với CT TNHH Bình Minh là phù hợp với quy định của pháp luật. Khoản 1 Điều 42 LPS 2014 có quy định: “Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Thẩm phán phải ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản”. Ngày thụ lý đơn là ngày 10/01/2012, ngày ra quyết định mở thủ tục phá sản là ngày 08/02/2012 tức còn trong thời hạn 30 ngày mà điều luật trên đề cập.
Ngân hàng A là chủ nợ có bảo đảm của CT Bình Minh không có quyền yêu cầu Tòa án xử lý tài sản có bảo đảm để thu hồi khoản nợ đã đến hạn. Chủ thể có quyền yêu cầu Tòa án xử lý tài sản có bảo đảm được quy định tại khoản 1 Điều 53 LPS 2014 là “quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản”.
Tác giả: L.N & dethiluat.com
———————–
Nếu bạn có đáp án khác với các đáp án trên hoặc có thắc mắc cần giải đáp hãy để lại bình luận của bạn dưới phần comment nhé, rất mong nhận được sự thảo luận, đóng góp của các bạn!
Và đừng quên đánh giá bài viết 5 sao để cảm ơn tác giả bạn nhé!
Đề tiếp theo: Đề thi PL Chủ thể kinh doanh và phá sản lớp TM 38A – ĐH Luật TPHCM
Câu 1.3 Mọi trường hợp tăng vốn điều lệ của CT TNHH 2 thành viên trở lên đều làm thay đổi phần vốn góp của các thành viên trong công ty. Là nhận định sai. Theo khoản 1 Điều 68 LDN 2014, thì có thể tăng vốn góp của thành viên và tiếp nhận vốn góp của thành viên mới. Trường hợp tiếp nhận vốn góp của thành viên mới sẽ làm thay đổi phần vốn góp của các thành viên do có thêm thành viên mới kéo theo tỉ lệ vốn góp của các thành viên thay đổi. Theo… Read more »
mình sẽ cập nhật bài viết của bạn!
cảm ơn bạn nhiều
nếu nói sau 3 năm thì cổ đông ưu đãi biểu quyết có thể chuyển nhượng được thì mình nghĩ không hợp lí bởi lẻ, khi cổ phần ưu đải biểu quyết chuyển thành cổ phần phổ thông thì tư cách cổ đông cũng thay đổi, lúc này là cổ đông phổ thông chứ không phải là cổ đông biểu quyết chuyển nhượng.