Đề thi hết môn Pháp luật về Cạnh tranh ngày 15/12/2013:
Đề thi hết môn Pháp luật về Cạnh tranh
Lớp: Dân sự 35
Thời gian làm bài: 75 phút
(Sinh viên chỉ được sử dụng văn bản quy phạm pháp luật)
I – Lý thuyết
Hãy phân tích sự khác nhau giữa hành vi hạ giá cạnh tranh và hành vi định giá loại bỏ doanh nghiệp khác được thực hiện bởi doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường? (3đ)
II – Bài tập
Bài tập 1:
CTCP B tung ra thị trường sản phẩm điện thoại thông minh Z10 với giá 12.5 triệu đồng. Tuy nhiên, vì tình hình kinh tế khó khăn cùng với sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường điện thoại di động tại Việt Nam trong thời gian vừa qua khiến cho doanh số của Z10 không đạt được như mong đợi của Cty B. Do đó, Cty này thực hiện chương trình khuyến mãi. Theo đó, từ ngày 01.09.2013 đến 30.10.2013 khi khách hàng mang một điện thoại bất kỳ còn sử dụng được của các hãng sản xuất khác đến các cửa hàng / đại lý ủy quyền của B thì sẽ được mua điện thoại thông minh Z10 của hãng này với giá là 9.5 triệu đồng. Biết rằng thị phần của B trên thị trường liên quan là 7.8%. Giá thành toàn bộ của điện thoại thông minh Z10 là 8.1 triệu đồng.
Theo anh chị hành vi của Cty B có vi phạm qui định của pháp luật Cạnh tranh Việt Nam không? Tại sao? (3đ)
Bài tập 2:
Trước năm 2010, Cty TL là đơn vị nhập khẩu và phân phối mỹ phẩm Sh tại thị trường Việt Nam.
TL đã giao kết hợp đồng hợp tác với 15 nhà đầu tư cá nhân cùng góp vốn theo hợp đồng hợp tác kinh doanh thành lập 25 của hàng Sh trên toàn quốc. 15 cửa hàng có phần vốn góp của các nhà đầu tư này , từ 30% đến 60%. Cty TL nắm quyền điều hành, các nhà đầu tư cá nhân ngoài việc hưởng lãi theo định kỳ cũng tham gia hỗ trợ quảng bá, tìm kiếm khách hàng.
Khi đó, Nhà nước áp dụng chính sách hạn chế nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực phân phối hàng hóa tại thị trường Việt Nam. Vì vậy muốn phân phối sản phẩm của mình tại Việt Nam, Sh đã hợp tác toàn diện với Cty TL thông qua chuỗi phân phối của TL.
Theo cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO, sau 3 năm kể từ ngày Việt Nam trở thành thành viên WTO, Sh đã có thể thành lập một cty có vốn đầu tư nước ngoài – Cty TNHH mỹ phẩm Sh Việt Nam (Sh Việt Nam) để thực hiện hoạt động nhập khẩu và phân phối mỹ phẩm Sh Việt Nam.
Do đó, Sh đã đàm phán để mua lại toàn bộ hệ thống bán hàng của TL. Từ đầu năm 2010, Cty TL chuyển giao quyền điều hành, quản lý việc nhập khẩu và phân phối mỹ phẩm Sh tại Việt Nam cho Sh Việt Nam. Tuy nhiên do Sh Việt Nam xác định mình không có quan hệ pháp lý gì với 15 nhà đầu tư của TL nên các nhà đầu tư này đã phản đối, làm cho Sh Việt Nam không thể tiếp quản hệ thống mà TL đã bán. Vì vậy, Sh Việt Nam đã tiến hành khởi kiện TL tại trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam. Đồng thời, Sh Việt Nam cũng đã nộp đơn ra Tòa án nhân dân TPHCM yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời với hình thức phong tỏa tài khoản của Cty TL với số tiền trong các tài khoản tổng cộng là 13.4 tỷ đồng. Đồng thời, phong tỏa toàn bộ hệ thống cửa hàng, đại lý bán lẻ trên toàn quốc của Cty TL, biết rằng mỹ phẩm là loại hàng hóa rất nhạy cảm với hạn sử dụng, nếu bị phong tỏa vài tháng sẽ có nguy cơ bị hư hỏng.
1 – Theo anh chị khi đã lựa chọn biện pháp giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Sh Việt Nam có quyền yêu cầu TAND TPHCM áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hay không? (2đ)
2 – Giả sử biện pháp khẩn cấp tạm thời mà Sh Việt Nam yêu cầu áp dụng là không có cơ sở, gây thiệt hại cho các bên có liên quan thì những người bị thiệt hại phải khiếu nại đến Hội đồng xử lý vụ việc, Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, Tòa án nhân dân TPHCM hay cơ quan nào để yêu cầu bồi thường thiệt hại? (2đ)
Nguồn: Group FB – Ngân hàng đề thi HCMULAW
Đề tiếp theo: Đề thi môn Pháp luật về Cạnh tranh và giải quyết tranh chấp mới cập nhật.