Đề thi môn Pháp luật Thanh tra Khiếu nại Tố cáo trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh ngày 02/11/2018.
ĐỀ THI MÔN: PHÁP LUẬT THANH TRA – KHIẾU NẠI – TỐ CÁO
Mục Lục:
- ĐỀ THI MÔN: PHÁP LUẬT THANH TRA – KHIẾU NẠI – TỐ CÁO
- I – Câu hỏi lý thuyết (2 điểm)
- Câu hỏi:
- Đáp án tham khảo:
- Điều kiện thụ lý đơn tố cáo?
- Trẻ em và người già tố cáo có được thụ lý không?
- II – Các nhận định sau đây đúng hay sai? Tại sao? (4 điểm)
- Nhận định 1
- Đáp án nhận định 1
- Nhận định 2
- Đáp án nhận định 2
- Nhận định 3
- Đáp án nhận định 3
- Nhận định 4
- Đáp án nhận định 4
- II – Bài tập tình huống (4 điểm)
- Câu hỏi 1
- Đáp án tham khảo
- Câu hỏi 2
- Đáp án tham khảo
- Câu hỏi 3
- Đáp án tham khảo
Thời gian làm bài: 75 phút
Sinh viên chỉ được sử dụng VBQPPL
I – Câu hỏi lý thuyết (2 điểm)
Câu hỏi:
Phân tích các điều kiện thụ lý giải quyết tố cáo? Trẻ em và người già tố cáo có được thụ lý không? Tại sao?
Đáp án tham khảo:
Điều kiện thụ lý đơn tố cáo?
Vấn đề tố cáo đang được điều chỉnh bởi Luật Tố cáo 2011 (hết hiệu lực ngày 01/01/2019) và sẽ được thay thế bởi Luật Tố cáo 2018. Nhưng về cơ bản, đơn tố cáo được thụ lý giải quyết khi thỏa mãn các điều kiện cơ bản sau đây:
– Về hình thức tổ cáo phải đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật với một trong hai hình thức: gửi đơn hoặc tố cáo trực tiếp. Tố cáo bằng bất kỳ hình thức nào cũng phải đảm bảo đầy đủ các thông tin cần thiết, trong đó phải có tên, địa chỉ, nội dung và chữ ký hoặc điểm chỉ của người tố cáo. Trường hợp nhiều người tố cáo trực tiếp thì phải cử đại diện để trình bày nội dung tố cáo.
– Về chủ thể tố cáo là khá rộng gồm công dân thực hiện quyền tố cáo, cá nhân người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam. Tuy nhiên, phải đảm bảo đủ điều kiện về chủ thể như: có năng lực hành vi dân sự và đảm bảo về độ tuổi.
– Về đối tượng tố cáo bao gồm hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức và hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Như vậy đối tượng tố cáo là hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ ai mà không thuộc phạm vi bị cấm tố cáo như: Cố ý tố cáo sai sự thật; kích động, cưỡng ép, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật, mạo danh người khác để tố cáo; lợi dụng việc tố cáo để tuyên truyền chống Nhà nước, xâm phạm lợi ích của Nhà nước; xuyên tạc, vu khống, gây rối an ninh, trật tự công cộng, xúc phạm danh dự nhân phẩm, uy tín của người khác; vi phạm các quy định khác của pháp luật về tố cáo.
Trẻ em và người già tố cáo có được thụ lý không?
Trẻ em và người già là người không có đủ năng lực hành vi dân sự thì khi tố cáo nếu có người đại diện theo quy định của pháp luật và đáp ứng đủ các điều kiện thụ lý tố cáo thì việc tố cáo sẽ được thụ lý.
Trường hợp người già có đủ năng lực hành vi dân sự nếu đáp ứng các điều kiện thụ lý giải quyết tố cáo thì việc tố cáo sẽ được thụ lý.
II – Các nhận định sau đây đúng hay sai? Tại sao? (4 điểm)
Nhận định 1
Trong lĩnh vực thanh tra, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm thường xuyên báo cáo với Thủ trưởng cơ quan thanh tra cấp trên về kết quả giám sát sau thanh tra.
Đáp án nhận định 1
Nhận định sai.
Bởi vì: Trong lĩnh vực thanh tra, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước (Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp) không có trách nhiệm phải báo cáo với Thủ trưởng cơ quan thanh tra cấp trên về kết quả giám sát sau thanh tra mà Thủ trưởng cơ quan thanh tra cấp trên có nhiệm vụ, quyền hạn giám sát sau thanh tra của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cấp dưới khi cần thiết.
Căn cứ pháp lý: điểm d, khoản 2, Điều 21 và điểm d, khoản 2, Điều 15 Luật Thanh tra năm 2010.
Nhận định 2
Chỉ thanh tra hành chính có hoạt động theo đoàn thanh tra.
Đáp án nhận định 2
Nhận định sai
Căn cứ pháp lý: khoản 1 Điều 51 Luật Thanh tra năm 2010
Bởi vì: Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 51 Luật Thanh tra năm 2010 quy định về Thẩm quyền ra quyết định thanh tra chuyên ngành và phân công Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành tiến hành thanh tra độc lập thì: “Chánh Thanh tra bộ, Chánh Thanh tra sở, Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra để thực hiện quyết định thanh tra. Khi xét thấy cần thiết, Bộ trưởng, Giám đốc sở ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra”.
Do đó, không chỉ thanh tra hành chính mà cả thanh tra chuyên ngành cũng có thể hoạt động theo đoàn thanh tra.
Nhận định 3
Trong trường hợp người khiếu nại rút khiếu nại thì người có thẩm quyền sẽ ban hành ra quyết định đình chỉ giải quyết khiếu nại.
Đáp án nhận định 3
Nhận định sai.
Căn cứ pháp lý: Điều 10 Luật khiếu nại năm 2011
Tại Điều 10 Luật khiếu nại năm 2011 quy định về Rút khiếu nại thì Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại khi nhận được đơn xin rút khiếu nại thì đình chỉ việc giải quyết và thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại về việc đình chỉ giải quyết khiếu nại. Do đó, trong trường hợp người khiếu nại rút khiếu nại thì người có thẩm quyền sẽ ban hành thông báo đình chỉ việc giải quyết chứ không ra quyết định đình chỉ giải quyết khiếu nại.
Nhận định 4
Trong trường hợp người khiếu nại là người có nhược điểm về thể chất, tâm thần, việc khiếu nại phải do người đại diện thực hiện.
Đáp án nhận định 4
Nhận định đúng.
Căn cứ pháp lý: Điểm a, khoản 1, Điều 12 Luật khiếu nại năm 2011.
Bởi vì: Tại Điểm a, khoản 1, Điều 12 Luật khiếu nại năm 2011 quy định về Quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại thì:
“Trường hợp người khiếu nại ốm đau, già yếu, có nhược điểm về thể chất hoặc vì lý do khách quan khác mà không thể tự mình khiếu nại thì được ủy quyền cho cha, mẹ, vợ, chồng, anh, chị, em ruột, con đã thành niên hoặc người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ để thực hiện việc khiếu nại.”
Do đó, trong trường hợp người khiếu nại là người có nhược điểm về thể chất, tâm thần, việc khiếu nại được ủy quyền cho người khác thực hiện (cha, mẹ, vợ, chồng, anh, chị, em ruột, con đã thành niên hoặc người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ) thực hiện.
II – Bài tập tình huống (4 điểm)
Ngày 16/6/2014, Chánh thanh tra xây dựng tỉnh TG ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 1503/QĐ-XP về hoạt động xây dựng đối với Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Cái Mép có trụ sở đặt tại đường 21 đường KC, phường TB, Quận 1, thành phố H, với số tiền 100 triệu đồng do Công ty có hành vi thi công các công trình xây dựng không phép, không đảm bảo yêu cầu an toàn xây dựng. Cho rằng quyết định trên là trái pháp luật nên Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Cái Mép đã làm đơn khiếu nại vụ việc trên.
Anh chị hãy trả lời các câu hỏi sau:
Câu hỏi 1
1 – Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Cái Mép có thể ủy quyền cho Luật sư của mình để thực hiện quyền khiếu nại hay không? Tại sao?
Đáp án tham khảo
Căn cứ pháp lý: Điểm b, khoản 1, Điều 12 Luật tố cáo 2011
Tại Điểm b, khoản 1, Điều 12 Luật khiếu nại năm 2011 quy định về Quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại thì Người khiếu nại có Nhờ luật sư tư vấn về pháp luật hoặc ủy quyền cho luật sư khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Do đó, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Cái Mép có thể ủy quyền cho Luật sư để thực hiện quyền khiếu nại của mình.
Câu hỏi 2
2 – Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu kết luận nội dung khiếu nại là không có cơ sở nhưng lại chấp nhận yêu cầu bồi thường thiệt hại 150.000.000 đồng mà Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Cái Mép yêu cầu trong đơn khiếu nại. Anh chị nhận xét gì về nội dung các quyết định giải quyết khiếu nại trên?
Đáp án tham khảo
Nội dung của quyết định giải quyết khiếu nại trên trái quy định của pháp luật.
Trong kết luận nội dung khiếu nại phải nêu rõ nội dung khiếu nại là đúng toàn bộ, sai toàn bộ hoặc đúng một phần. Trong trường hợp Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu kết luận nội dung khiếu nại là không có cơ sở (sai toàn bộ) thì không thể chấp nhận yêu cầu bồi thường thiệt hại 150.000.000 đồng vì khi chấp nhận yêu cầu bồi thường thiệt hại 150.000.000 đồng đồng nghĩa với việc xác định nội dung khiếu nại là đúng một phần.
Căn cứ pháp lý: Điều 22, Thông tư 07/2013/TT-TTCP, Điều 31 Luật khiếu nại năm 2011.
Tại Điều 22, Thông tư 07/2013/TT-TTCP quy định:
“Trong quyết định giải quyết khiếu nại phải thể hiện rõ thông tin về người khiếu nại, người bị khiếu nại, nội dung khiếu nại, căn cứ để khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại…… kết quả xác minh nội dung khiếu nại; nêu rõ căn cứ để kết luận nội dung khiếu nại là đúng toàn bộ, sai toàn bộ hoặc đúng một phần; giữ nguyên, hủy bỏ toàn bộ hoặc sửa đổi, bổ sung một phần quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại…… việc bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại (nếu có) và giải quyết các vấn đề khác có liên quan; quyền khiếu nại lần hai, quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án.”
Câu hỏi 3
3 – Do không đồng ý với kết quả giải quyết khiếu nại lần đầu, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Cái Mép đã tiếp tục khiếu nại. Trong kết quả giải quyết khiếu nại lần hai có nội dung kết luận quyết định 1503/QĐ-XP là trái pháp luật nên đã sửa mức phạt tiền từ 100 triệu đồng xuống còn 50 triệu đồng. Quyết định của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai là đúng hay sai? Tại sao?
Đáp án tham khảo
Quyết định của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai như trên là sai.
Bởi vì: Căn cứ điểm h, khoản 2, Điều 40 Luật khiếu nại năm 2011 quy định về Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai thì trong trường hợp kết quả giải quyết khiếu nại lần hai kết luận quyết định 1503/QĐ-XP là trái pháp luật (hay nói cách khác nội dung khiếu nại là đúng) thì người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại chỉ có quyền yêu cầu Chánh Thanh tra xây dựng tỉnh TG là người có quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại sửa đổi, hủy bỏ một phần hay toàn bộ quyết định 1503/QĐ-XP chứ không thể tự mình sửa đổi quyết định 1503/QĐ-XP.
Căn cứ pháp lý: điểm h, khoản 2, Điều 40 Luật khiếu nại năm 2011.
“Điều 40. Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai
1 – Người giải quyết khiếu nại lần hai phải ra quyết định giải quyết khiếu nại.
2 – Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai phải có các nội dung sau đây:
……
h – Kết luận nội dung khiếu nại là đúng, đúng một phần hoặc sai toàn bộ. Trường hợp khiếu nại là đúng hoặc đúng một phần thì yêu cầu người có quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại sửa đổi, hủy bỏ một phần hay toàn bộ quyết định hành chính, chấm dứt hành vi hành chính bị khiếu nại. Trường hợp kết luận nội dung khiếu nại là sai toàn bộ thì yêu cầu người khiếu nại, người có quyền, nghĩa vụ liên quan thực hiện nghiêm chỉnh quyết định hành chính, hành vi hành chính”.
Đáp án tham khảo: Sửu Ka
Rất mong nhận được sự góp ý, thảo luận của các bạn! Thân ái và chúc một ngày tốt lành!