Đề thi môn Luật Tố tụng hình sự thầy Lê Huỳnh Tấn Duy ra đề năm 2018, trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh. Thân gửi, các bạn tham khảo:
ĐỀ THI MÔN LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ
Mục Lục:
Lớp: QT39
Thời gian làm bài: 75 phút
Sinh viên được sử dụng BLHS, BLTTHS
Câu 1 – Lý thuyết
Câu hỏi:
Giải thích ngắn gọn những lý do pháp luật tố tụng hình sự quy định trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng (Điều 15 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015)?
Đáp án tham khảo
Tại Điều 15 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 ghi nhận: “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội”.
Ở nước ta, Trách nhiệm chứng minh tội phạm được trao cho các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án) bởi vì nhiều lý do sau đây:
Thứ nhất, pháp luật là công cụ của nhà nước dùng để quản lý xã hội, trong đó một trong các quan hệ pháp luật quan trong để duy trì trật tự xã hội, thể hiện sự thống trị của giai cấp cầm quyền là pháp luật hình sự. Nhằm đảm bảo được trật tự xã hội thì trách nhiệm chứng minh tội phạm được trao cho các cơ quan tiến hành tố tụng, do đó các cơ quan này có nhiệm vụ phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm. Cũng chính vì yêu cầu này thì các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình để có thể truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội khi có đủ căn cứ chứng minh người đó đã thực hiện hành vi phạm tội, đây là trách nhiệm của riêng các cơ quan tiến hành tố tụng.
Thứ hai, Các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có đủ điều kiện về nguồn lực, phương tiện, kỹ thuật, phương pháp để tiến hành điều tra, truy tố, xét xử chứng minh tội phạm nhằm xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ.
Thứ ba, nếu quy định người phạm tội phải tự chứng minh sự vô tội của mình, thì người phạm tội phải tự tiến hành các biện pháp theo quy định của luật tố tụng hình sự, mà điều này chưa phù hợp với điều kiện về dân trí, kinh tế, văn hóa, xã hội ở nước ta.
Thư tư, nếu người có dấu hiệu phạm tội chứng minh sự vô tội của mình thì không đủ điều kiện, nguồn lực, dễ dẫn đến tình trạng oan sai, thiếu khách quan, thiếu tính toàn diện.
Xem thêm:
- Đề thi môn Luật Tố tụng hình sự năm 2017
- Hệ thống hình phạt trong pháp luật hình sự Việt Nam.
- Tuyển tập đề thi môn Luật Tố tụng hình sự do Thầy Lê Huỳnh Tấn Duy ra đề.
Câu 2 – Xác định những nhận định sau đây đúng hay sai? Tại sao?
Nhận định 1
Bị can có quyền sao chụp tài liệu liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội.
Đáp án
Nhận định Sai
Giải thích: Theo quy định tại điểm i, khoản 2, Điều 60 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về quyền của bị can thì bị can có quyền đọc, ghi chép bản sao tài liệu liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội kể từ khi kết thúc điều tra khi có yêu cầu. Nói cách khác, Bị can không có quyền sao chụp tài liệu liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội trong quá trình điều tra vụ án. Do đó, Bị can chỉ có quyền sao chụp tài liệu liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội khi kết thúc điều tra khi có yêu cầu.
Căn cứ pháp lý: điểm i, khoản 2, Điều 60 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Nhận định 2
Người định giá tài sản vẫn có thể tham gia tố tụng khi đồng thời là người thân thích của đương sự.
Đáp án
Nhận định Sai.
Giải thích: Căn cứ Điều 21 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì Người định giá tài sản không không được tham gia tố tụng nếu có lý do cho rằng họ có thể không vô tư trong khi thực hiện nhiệm vụ. Trong trường hợp trên người định giá tài sản là người thân thích của đương sự thì được xem là lý do có thể khiến họ không vô tư khi thực hiện nhiệm vụ định giá của mình.
Hoặc, Căn cứ điểm a, khoản 5, Điều 69 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định về trường Người định giá tài sản phải từ chối tham gia tố tụng hoặc bị thay đổi khi là người thân thích của đương sự.
Căn cứ pháp lý: Điều 21 và điểm a, khoản 5, Điều 69 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.
Nhận định 3
Cục trưởng Cục kiểm lâm có quyền ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp.
Đáp án
Nhận định Sai
Giải thích: Theo quy định tại khoản 2, Điều 110 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 về những người có quyền ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp thì không có quy định Cục trưởng Cục kiểm lâm. Do đó, Cục trưởng Cục kiểm lâm không có quyền ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp.
Căn cứ pháp lý: khoản 2, Điều 110 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.
Nhận định 4
Tòa án có quyền xét xử bị cáo theo tội danh khác tội danh Viện kiểm sát đã truy tố.
Đáp án
Nhận định Đúng.
Giải thích:
Theo quy định tại khoản 2, Điều 298 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì Tòa án có thể xét xử bị cáo theo một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố.
Hoặc
Theo quy định tại khoản 3, Điều 298 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại. Nếu Viện kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó.
Căn cứ pháp lý: khoản 2 và khoản 3, Điều 298 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015
Nhận định 5
Người đang xem xét kháng nghị giám đốc thẩm đối với Bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì có quyền quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định đó.
Đáp án
Nhận định Sai.
Giải thích: Căn cứ theo quy định tại Điều 377 Bộ luật tố tụng hình sự thì chỉ người ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì mới có quyền quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định đó. Do đó, người đang xem xét kháng nghị giám đốc thẩm đối với Bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì không có quyền quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định đó.
Căn cứ pháp lý: Điều 377 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.
Câu 3 – Bài tập (3 điểm)
A và B bị khởi tố về tội hiếp dâm trẻ em (C là nạn nhân). Trong quá trình điều tra, phát hiện bị can A có những biểu hiện bất thường về tâm thần, bị can B là người bình thường và đủ tuổi chịu TNHS.
Câu hỏi:
Cơ quan điều tra sẽ giải quyết tình huống này như thế nào?
Đáp án
Trong quá trình điều tra, phát hiện bị can A có những biểu hiện bất thường về tâm thần thì Cơ quan điều tra phải ra quyết định Trưng cầu giám định pháp y về tâm thần đối với bị can A nhằm xác định khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, bị can A có khả năng nhận thức, điều khiển hành vi không để xác định hành vi của bị can có phạm tội hay không.
Căn cứ pháp lý: Khoản 1 Điều 206 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.
Tình tiết bổ sung
Khi Cơ quan điều tra đang làm bản kết luận điều tra đề nghị truy tố B thì B bỏ trốn và không xác định được đang ở đâu; A chết trong bệnh viện tâm thần.
Câu hỏi:
Nêu hướng giải quyết của Cơ quan điều tra trong trường hợp này?
Đáp án:
Đối với vụ án:
Cơ quan điều tra ra quyết định tách vụ án hình sự.
Đối với bị can A:
Căn cứ theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 230 và khoản 7, Điều 157 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì do bị can A đã chết trong bệnh viện tâm thần nên Cơ quan điều tra ra Quyết định đình chỉ điều tra đối với bị can A.
“Điều 230. Đình chỉ điều tra
1 – Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra khi thuộc một trong các trường hợp:
a – Có một trong các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 155 và Điều 157 của Bộ luật này hoặc có căn cứ quy định tại Điều 16 hoặc Điều 29 hoặc khoản 2 Điều 91 của Bộ luật hình sự;”
“Điều 157. Căn cứ không khởi tố vụ án hình sự
Không được khởi tố vụ án hình sự khi có một trong các căn cứ sau:
………………………………..
7 – Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác”.
Đối với bị can B:
Căn cứ theo quy định tại điểm a, khoản 1 và khoản 2 Điều 229 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015: Do bị can B đã bỏ trốn và không xác định được đang ở đâu và lý do tạm đình chỉ điều tra đối với bị can B không liên quan đến bị can còn lại trong vụ án nên Cơ quan ra quyết định truy nã đối với B (theo quy định tại Điều 231 Bộ luật tố tụng hình sự) và ra quyết định tạm đình chỉ điều tra đối với B.
Căn cứ pháp lý: điểm a, khoản 1, Điều 229 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.
“Điều 229. Tạm đình chỉ điều tra
1 – Cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ điều tra khi thuộc một trong các trường hợp:
a – Khi chưa xác định được bị can hoặc không biết rõ bị can đang ở đâu nhưng đã hết thời hạn điều tra vụ án. Trường hợp không biết rõ bị can đang ở đâu, Cơ quan điều tra phải ra quyết định truy nã trước khi tạm đình chỉ điều tra;
……………………………………..
2 – Trường hợp vụ án có nhiều bị can mà lý do tạm đình chỉ điều tra không liên quan đến tất cả bị can thì có thể tạm đình chỉ điều tra đối với từng bị can”.