Dưới đây là Đề thi môn Luật Sở hữu trí tuệ lớp Hành chính 36A trường ĐH Luật TPHCM, ra thi năm 2013 do dethiluat.com sưu tầm, thân gửi bạn đọc tham khảo:
Đề thi môn Luật Sở hữu trí tuệ
Lớp: Hành chính 36A
Thời gian làm bài: 75 phút
(Sinh viên chỉ được sử dụng văn bản quy phạm pháp luật khi làm bài thi)
Câu I – 3đ – Các nhận định sau đúng hay sai? Vì sao? Nêu cơ sở pháp lý?
A – Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ từ chối đơn đăng ký sở hữu công nghiệp ngay khi đơn không hợp lệ về hình thức.
B – Người thực hiện việc đăng ký chỉ dẫn địa lý chính là chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý đó.
Câu II – 3đ – Những tiêu chí nào để đánh giá một nhãn hiệu là nổi tiếng? Anh (chị) có suy nghĩ gì về quy định tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng của Luật SHTT hiện hành? Hãy cho ví dụ một vụ việc cụ thể để minh họa cho lập luận của mình.
Câu III – 4đ:
Từ tháng 12/1977 ông Thanh viết ký sự “Biệt động Sài Gòn” được đăng liên tục 30 Kỳ trên Báo Quân đội nhân dân và ký sự “Người con gái Sài Gòn” được đăng 22 kỳ trên Báo Quân đội nhân dân. Các ký sự của ông Thanh đã được NXB. Thanh niên đã in thành sách “Những chiến sỹ biệt động” và NXB. Tổng hợp TP HCM xuất bản sách “Người con gái Sài Gòn” cũng vào năm 1977.
Đầu năm 1982, ông Phương lúc đó là biên kịch thuộc biên chế của Hãng phim truyện Việt Nam, được Ban giám đốc Hãng phim yêu cầu thực hiện một số bộ kịch bản phim 2 tập về đề tài Biệt động ở Sài Gòn trước năm 1975. Để phục vụ cho việc sáng tác, đoàn công tác của Hãng phim truyện Việt Nam – ông Phương với tư cách là người trực tiếp viết kịch bản đã đi thực tế và thu thập tư liệu về Biệt động Sài Gòn. Sau khi ông trình bày đề cương dựng truyện đã được đoàn công tác nhất trí thông qua để viết kịch bản. Sau đó ông Phương về Hà Nội và tìm gặp ông Thanh để hợp tác. Ông Thanh bắt tay vào viết kịch bản, do kế hoạch gấp rút nên ông Viết đến đâu ông Phương đến lấy bản thảo đến đó. Sau khi ông Phương đem bản thảo về trình lãnh đạo Hãng phim truyện Việt Nam, Hãng yêu cầu ông Phương viết lại. Bản thảo của ông Thanh khoảng gần 400 trang trên giấy học sinh, còn bản thảo ông Phương viết khoảng 190 trang đánh máy bằng giấy pôluga mỏng, lấy tên “Những thiên thần ra trận” sau đó được Cục điện ảnh duyệt để dựng thành phim mang tên “Biệt động Sài Gòn”.
Sau đó xảy ra tranh chấp giữa ông Thanh và ông Phương. Ông Thanh cho rằng kịch bản phim “Biệt động Sài Gòn” là của mình, ông Phương đã xâm phạm quyền tác giả của ông Thanh vì: tự ý chỉnh bản thảo do ông Thanh viết theo ý riêng, đổi tên kịch bản và nội dung kịch bản là được chuyển thể từ các ký sự do ông Thanh viết mà không được sự cho phép của ông Thanh. Ông Phương không đồng ý vì cho rằng ông là đồng tác giả của kịch bản phim “Biệt động Sài Gòn” , vì đề cương ban đầu của kịch bản do ông thực hiện và ông có đóng góp công sức, trí tuệ, sáng tạo để chỉnh sửa kịch bản từ bản thảo dài 400 trang ban đầu thành bản thảo hoàn chỉnh được dựng thành phim, nên ông không xâm phạm quyền tác giả của ông Thanh.
Lập luận của ai đúng, ai sai? Vì sao? Từ đó hãy cho biết ông Phương là đồng tác giả với ông Thanh hay ông Phương có hành vi xâm phạm quyền tác giả của ông Thanh?
Nguồn: Group FB – Ngân hàng đề thi HCMULAW
>> Đề tiếp theo: Đề năm 2013 Luật Sở hữu trí tuệ lớp Hình sự 35 – ĐH Luật TPHCM