Đề thi học kỳ Luật Ngân hàng ngày 15/06/2016:
Đề thi học kỳ Luật Ngân hàng
Lớp: Chất lượng cao 38B
Thời gian làm bài: 75 phút
(Sinh viên chỉ được sử dụng văn bản quy phạm pháp luật)
I – Câu tự luận:
Tại sao nói rằng “Tái cấp vốn là hình thức tín dụng có bảo đảm”. Anh chị hãy chứng minh cho nhận định này.
II – Bài tập.
Bài tập 1. (3đ)
Do bộc lộ nhiều yếu kém trong hoạt động, có nợ xấu cao, và lỗi từ hoạt động kinh doanh đã “ăn hết” vốn chủ sở hữu, Ngân hàng thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam (“VNCB”) đã bị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (“NHNNVN”) đặt vào diện kiểm soát đặc biệt nhằm giảm thiểu tổn thất tài sản, giữ an toàn hệ thống tổ chức tín dụng.
Trước tình hình này, để xử lý 1 ngân hàng rơi vào tình huống nợ xấu cao và âm vốn, Thống đốc NHNNVN đang cân nhắc 2 phương án xử lý như sau:
A – Phương án 1: VNCB bị phá sản.
B – Phương án 2: NHNNVN mua lại toàn bộ vốn cổ phần của VNCB với giá 0 đồng/1 cổ phiếu. Theo đó, NHNNVN trở thành Chủ sở hữu (100% vốn điều lệ) của VNCB; đồng thời, chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông đối với các cổ đông hiện hữu của VNCB. Để đảm bảo ổn định công tác quản trị và điều hành, NHNNVN chỉ định ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tham gia quản trị, điều hành VNCB.
Hỏi:
Để đảm bảo tính pháp lý cho quyết định của mình, Thống đốc NHNNVN đã triệu tập phiên họp bất thường với các cộng sự vào ngày 02.02.2015. Với vai trò là Vụ trưởng Vụ Pháp chế, thuộc NHNNVN, anh chị hãy đánh giá tính pháp lý, ưu và nhược điểm của từng phương án trên để tư vấn cho Thống đốc NHNNVN?
Bài tập 2: (5đ)
Ngày 01.04.2014 Cty TNHH A (là doanh nghiệp chuyên kinh doanh và sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ) đã ký kết hợp đồng tín dụng số 04/2014 với Ngân hàng thương mại cổ phần B, theo đó Cty A vay số tiền là 2 tỷ đồng với thời hạn vay là 12 tháng, lãi suất là 10%/năm, và mục đích sử dụng vốn vay là để mua nguyên liệu.
A – Anh chị hãy soạn thảo điều khoản cho ngân hàng B về các trường hợp ngân hàng B có quyền đình chỉ cho vay và thu hồi nợ trước hạn trong hợp đồng tín dụng số 04/2014 giữa Cty A và Ngân hàng B. (2đ)
B – Giả sử Cty TNHH C là bạn hàng của CTY A và đang thiếu Cty A một khoản nợ 3 tỷ VNĐ. Liệu Cty A có thể dùng khoản nợ 3 tỷ đồng này làm tài sản bảo đảm cho khoản vay tại Ngân hàng B được không? Tại sao? (1.5đ)
Giả sử Ngân hàng B không chấp nhận dùng khoản nợ 3 tỷ VNĐ để làm tài sản bảo đảm cho khoản vay trên, ông D (giám đốc đồng thời là người đại diện theo pháp luật của Cty A) dùng quyền sử dụng lô đất 200m2 ở quận 9 TP HCM thuộc sở hữu của mình và được định giá là 3 tỷ VNĐ, thế chấp để đảm bảo khoản vay trên của Cty.
Giao dịch bảo đảm này có cần phải đăng ký hay không? Tại sao? Việc đăng ký giao dịch bảo đảm này sẽ đem lại cho Ngân hàng B quyền và lợi ích gì? (1.5đ)
GV ra đề: ThS Trần Thanh Bình
Nguồn: Minh Hùng sent to dethiluat.com
>> Đề tiếp theo: Đề thi hết môn Luật Ngân hàng lớp Chất lượng cao 38A – ĐH Luật TPHCM