Dưới đây là đề thi hết môn Luật Tố tụng dân sự lớp các lớp khóa 38 chính quy – CÓ ĐÁP ÁN – trường Đại học Luật Hà Nội. Thân gửi các bạn tham khảo.
ĐỀ THI HẾT MÔN: LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ
Mục Lục:
- ĐỀ THI HẾT MÔN: LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ
- Phần I – Nhận định: (5 điểm)
- Nhận định 1
- Đáp án nhận định 1
- Nhận định 2
- Đáp án nhận định 2
- Nhận định 3
- Đáp án nhận định 3
- Nhận định 4
- Đáp án nhận định 4
- Nhận định 5
- Đáp án nhận định 5
- Phần II – Lý thuyết : (2 điểm)
- Câu hỏi:
- Gợi ý đáp án:
- Phần III – Bài tập tình huống: (3 điểm)
- Câu hỏi 1
- Đáp án câu hỏi 1
- Câu hỏi 2
- Đáp án câu hỏi 2
Lớp: Các lớp khóa 38
Thời gian làm bài: 120 phút
Được sử dụng Luật Tố tụng dân sự
Phần I – Nhận định: (5 điểm)
Theo quy định của Pháp luật tố tụng dân sự hiện hành, Anh (chị) hãy cho biết các khẳng định sau đây đúng hay sai? Giải thích?
Nhận định 1
Trước khi mở phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn rút đơn khởi kiện và bị đơn đồng ý thì Thẩm phán ra Quyết định hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án.
Đáp án nhận định 1
Nhận định Sai.
Căn cứ pháp lý: Điều 269 Bộ luật tố tụng dân sự 2004, sửa đổi, bổ sung năm 2011.
Giải thích: Tại khoản 1 Điều 269 Bộ luật tố tụng dân sự 2004, sửa đổi, bổ sung năm 2011 quy định về việc Nguyên đơn rút đơn khởi kiện trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm thì:
“1. Trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm nguyên đơn rút đơn khởi kiện thì Hội đồng Xét Xử phúc thẩm phải hỏi bị đơn có đồng ý hay không và tùy từng trường hợp mà giải quyết như sau:
a) Bị đơn không đồng ý thì không chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn;
b) Bị đơn đồng ý thì chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn. Hội đồng Xét Xử phúc thẩm ra quyết định hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án. Trong trường hợp này, các đương sự vẫn phải chịu án phí sơ thẩm theo quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và phải chịu một nửa án phí phúc thẩm theo quy định của pháp luật.”
Do đó, không phải Thẩm phán mà Hội đồng xét xử ra Quyết định hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án trong trường hợp trước khi mở phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn rút đơn khởi kiện và bị đơn đồng ý.
Nhận định 2
Tòa án cấp huyện có thẩm quyền giải quyết đối với mọi tranh chấp dân sự mà có đương sự là người Việt Nam định cư, làm ăn, học tập, công tác ở nước ngoài có mặt tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự.
Đáp án nhận định 2
Nhận định Sai
Căn cứ pháp lý: Điều 7 Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP về việc Hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ nhất “những quy định chung” của Bộ luật Tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung theo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Khoản 3 Điều 33 Bộ luật tố tụng dân sự 2004, sửa đổi bổ sung năm 2011
Giải thích:
Tại điểm b, khoản 1, Điều 7 Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP quy định về khoản 3 Điều 33 Bộ luật tố tụng dân sự 2004, sửa đổi bổ sung năm 2011 thì đương sự ở nước ngoài bao gồm:
“1. Đương sự ở nước ngoài bao gồm:
…….
b) Đương sự là người Việt Nam định cư, làm ăn, học tập, công tác ở nước ngoài có mặt hoặc không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự;”
Tại khoản 3 Điều 33 Bộ luật tố tụng dân sự 2004, sửa đổi bổ sung năm 2011 quy định về Thẩm quyền của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thì
1. Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Tòa án nhân dân cấp huyện) có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây:
a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 25 và Điều 27 của Bộ luật này;
b) Tranh chấp về kinh doanh, thương mại quy định tại khoản 1 Điều 29 của Bộ luật này;
c) Tranh chấp về lao động quy định tại khoản 1 Điều 31 của Bộ luật này.
2. Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết những yêu cầu sau đây:
a) Yêu cầu về dân sự quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6 và 7 Điều 26 của Bộ luật này;
b) Yêu cầu về hôn nhân và gia đình quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 của Điều 28 của Bộ luật này.
3. Những tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án nước ngoài không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện.
Do đó, Tòa án cấp huyện không có thẩm quyền giải quyết đối với mọi tranh chấp dân sự mà có đương sự là người Việt Nam định cư, làm ăn, học tập, công tác ở nước ngoài có mặt tại Việt Nam (đương sự ở nước ngoài) vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự. Cụ thể: Đối với những tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án nước ngoài thì không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện.
Nhận định 3
Hội đồng xét xử tái thẩm có quyền hủy một phần bản án, Quyết định của Tòa án đã có hiệu lực để xét xử sơ thẩm lại.
Đáp án nhận định 3
Nhận định Sai
Căn cứ pháp lý: Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự 2004, sửa đổi bổ sung năm 2011
Giải thích: Tại Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự 2004, sửa đổi bổ sung năm 2011 quy định về Thẩm quyền của Hội đồng tái thẩm thì:
“2. Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để Xét Xử sơ thẩm lại theo thủ tục do Bộ luật này quy định;
3. Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ giải quyết vụ án.”
Do đó, Hội đồng xét xử tái thẩm không có quyền hủy một phần bản án, Quyết định của Tòa án đã có hiệu lực để xét xử sơ thẩm lại mà chỉ có quyền hủy cả bản án (tất cả các phần bản án) đã có hiệu lực để xét xử sơ thẩm lại.
Nhận định 4
Khi các đương sự đã tự thỏa thuận được với nhau về giải quyết toàn bộ vụ án dân sự thì Tòa án đều ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.
Đáp án nhận định 4
Nhận định Sai
Căn cứ pháp lý: Khoản 1 Điều 192 hoặc Điều 220 hoặc Điều 270 hoặc NQ 05
Giải thích:
Tại khoản 2 Điều 220 Bộ luật tố tụng dân sự 2004, sửa đổi bổ sung năm 2011 quy định về việc Công nhận sự thỏa thuận của đương sự:
“1. Chủ tọa phiên tòa hỏi các đương sự có thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án hay không. Trong trường hợp các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án và thỏa thuận của họ là tự nguyện, không trái pháp luật hoặc đạo đức Xã hội thì Hội đồng Xét Xử ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự về việc giải quyết vụ án”.
Khi các đương sự đã tự thỏa thuận được với nhau về giải quyết toàn bộ vụ án dân sự và thỏa thuận của họ là tự nguyện, không trái pháp luật hoặc đạo đức Xã hội thì Hội đồng Xét Xử không ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án mà ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự về việc giải quyết vụ án.
Nhận định 5
Tòa án chỉ tiến hành thu thập chứng cứ khi đương sự không thể tự thu thập được và có đơn yêu cầu.
Đáp án nhận định 5
Nhận định Sai
Căn cứ Điều 86, 87, 88, 89 Bộ luật tố tụng dân sự 2004, sửa đổi bổ sung năm 2011
Giải thích: Tòa án không chỉ tiến hành thu thập chứng cứ khi đương sự không thể tự thu thập được và có đơn yêu cầu mà ngay cả khi đương sự đã tự thu thập được nhưng chứng cứ chưa đầy đủ, rõ ràng. Hoặc trong trường hợp thấy việc thu thập chứng cứ là cần thiết. Ví dụ: Khi xét thấy cần thiết “Thẩm phán tiến hành lấy lời khai của người làm chứng tại trụ sở Tòa án hoặc ngoài trụ sở Tòa án” (khoản 1 Điều 87 Bộ luật tố tụng dân sự 2004, sửa đổi bổ sung năm 2011).
Phần II – Lý thuyết : (2 điểm)
Câu hỏi:
So sánh chuyển đơn khởi kiện và chuyển vụ việc dân sự.
Gợi ý đáp án:
Giống nhau: Căn cứ: vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của TA.
Khác nhau: So sánh về các tiêu chí sau: Thời điểm, thẩm quyền, hình thức, thủ tục
Phần III – Bài tập tình huống: (3 điểm)
Ông Nguyễn Văn A và bà Nguyễn Thị B là hai vợ chồng có tài sản chung là căn nhà 2 tầng trên diện tích 200 m2 đất tại xã P, huyện X, tỉnh K, được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất vào năm 2003. Ông A và bà B có 3 người con là E, F, G. Năm 2011, ông A chết không để lại di chúc. Sau khi ông A chết, bà B chuyển đến sinh sống cùng với anh E tại xã Q huyện Y tỉnh H và giao toàn bộ nhà đất cho F, G cư trú tại xã P, huyện X tỉnh K quản lý, sử dụng. Tháng 3/2015 anh F muốn được chia một phần nhà đất để làm nhà ở nhưng bà B không đồng ý nên F đã khởi kiện bà B đến Tòa án yêu cầu chia thừa kế tài sản của ông A. Hỏi:
Hai câu hỏi sau đây là độc lập với nhau.
Câu hỏi 1
Xác định Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp nêu trên?
Đáp án câu hỏi 1
Xảy ra 02 trường hợp.
Trường hợp 1: Căn cứ Khoản 4 Điều 8 Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP, dẫn chiếu đến điểm b Khoản 1 Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự nên Tòa án huyện Y tỉnh H có thẩm quyền giải quyết.
Căn cứ pháp lý:
Tại khoản 4 Điều 8 Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP hướng dẫn Điều 35 của Bộ luật tố tụng dân sự thì:
“Điều 8. Về quy định tại Điều 35 của BLTTDS
………………..
4. Trong vụ án về hôn nhân và gia đình, thừa kế tài sản,… mà có tranh chấp về bất động sản thì thẩm quyền giải quyết của Tòa án được xác định theo quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 35 của BLTTDS.”
Tại quy định tại Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự 2004, sửa đổi bổ sung năm 2011
“Điều 35. Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ
1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:
a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 25, 27, 29 và 31 của Bộ luật này;
b) Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 25, 27, 29 và 31 của Bộ luật này;”
Trường hợp 2: Căn cứ Khoản 4 Điều 8 NQ 03, dẫn chiếu đến điểm a Khoản 1 Điều 35 Trong trường hợp 2 bên thỏa thuận bằng văn bản Tòa án nhân dân huyện X tỉnh K có thẩm quyền giải quyết.
Căn cứ pháp lý: Khoản 4 Điều 8 Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP + điểm a Khoản 1 Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự 2004, sửa đổi bổ sung năm 2011.
Tại khoản 4 Điều 8 Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP hướng dẫn Điều 35 của Bộ luật tố tụng dân sự thì:
“Điều 8. Về quy định tại Điều 35 của BLTTDS
………………..
4. Trong vụ án về hôn nhân và gia đình, thừa kế tài sản,… mà có tranh chấp về bất động sản thì thẩm quyền giải quyết của Tòa án được xác định theo quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 35 của BLTTDS.”
Tại quy định tại Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự 2004, sửa đổi bổ sung năm 2011
“Điều 35. Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ
1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:
a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 25, 27, 29 và 31 của Bộ luật này;”
Câu hỏi 2
Giả sử sau khi Tòa án thụ lý vụ án trên, G có đơn yêu cầu buộc bà B, E, F phải thanh toán cho anh 100tr đồng mà anh đã bỏ ra để sửa chữa căn nhà và Tòa án đã thụ lý yêu cầu của G. Tuy nhiên khi Tòa án triệu tập hợp lệ G đến tham gia phiên tòa sơ thẩm thì G lại vắng mặt không tham dự phiên tòa vì sự kiện bất khả kháng.
Hỏi Tòa án phải giải quyết như thế nào?
Đáp án câu hỏi 2
Tư cách của G là người liên quan có yêu cầu độc lập.
– Triệu tập hợp lệ lần 1: Hoãn phiên tòa (căn cứ Khoản 1 Điều 199).
Căn cứ pháp lý: Khoản 1 Điều 199 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004, sửa đổi, bổ sung năm 2011.
Tại khoản 1 Điều 199 quy định về Sự có mặt của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
“1. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt; trường hợp có người vắng mặt thì Hội đồng Xét Xử hoãn phiên tòa, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị Xét Xử vắng mặt.
Tòa án thông báo cho đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự biết việc hoãn phiên tòa”.
– Triệu tập hợp lệ lần 2: nếu B vẫn vắng mặt thì Tòa án đình chỉ việc giải quyết đối với yêu cầu độc lập của G (căn cứ Khoản 2 Điều 199). Nếu G vắng mặt có đơn xin xét xử vắng mặt hoặc có người đại diện hợp pháp tham gia thì Tòa án tiến hành xét xử bình thường (căn cứ Điều 202).
Căn cứ pháp lý: điểm c, khoản 2, Điều 199 Bộ luật tố tụng dân sự 2004, sửa đổi, bổ sung năm: 2011
Tại điểm c, khoản 2, Điều 199 Bộ luật tố tụng dân sự 2004, sửa đổi, bổ sung năm: 2011 quy định về Sự có mặt của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thì:
“Điều 199. Sự có mặt của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự
………………
2. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa, nếu vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng thì Xử lý như sau:
………………
c) Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu độc lập của mình và Tòa án quyết định đình chỉ việc giải quyết đối với yêu cầu độc lập của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị Xét Xử vắng mặt. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu độc lập đó, nếu thời hiệu khởi kiện vẫn còn;”
Đáp án: TS. Bùi Thị Huyền
Giải thích chi tiết: Sửu Ka