Dưới đây là Đề thi có đáp án môn Luật Tố tụng hình sự năm 2018 trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh:
ĐỀ THI CÓ ĐÁP ÁN MÔN LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ
Mục Lục:
Lớp: Khóa 42
Thời gian làm bài: 75 phút
Sinh viên được sử dụng Văn bản quy phạm pháp luật
Câu 1 – Những câu nhận định sau đây đúng hay sai? Tại sao?
Nêu rõ cơ sở pháp lý khi trả lời!
Nhận định 1
Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi nếu là người thân thích với người bào chữa trong vụ án đó.
Đáp án
Nhận định Đúng.
Căn cứ pháp lý: Điều 49 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.
Giải thích: Theo quy định tại Điều 49 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định về các trường hợp phải từ chối hoặc thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi nếu có căn cứ rõ ràng khác để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ. Trường hợp Thẩm phán chủ tọa phiên tòa là người thân thích với người bào chữa trong vụ án thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có thể không vô tư trong khi xét xử, quyết định hình phạt.
Nhận định 2
Một người có thể tham gia tố tụng với hai tư cách trong vụ án hình sự.
Đáp án
Nhận định Đúng.
Căn cứ pháp lý: Điều 55 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.
Giải thích: Một người có thể tham gia tố tụng với nhiều tư cách miễn là quyền và nghĩa vụ của các tư cách đó không loại trừ lẫn nhau và quyền và lợi ích của các tư cách đó không đối chọi nhau. Ví dụ: Bị hại trong vụ án hình sự tham gia vụ án hình sự với tư cách là bị hại. Tuy nhiên nếu bị hại có yêu cầu bồi thường thiệt hại thì lúc này Bị hại có thêm một tư cách tham gia tố tụng là nguyên đơn dân sự.
Nhận định 3
Biện pháp tạm giam không áp dụng với bị can là người dưới 18 tuổi bị khởi tố về tội ít nghiêm trọng.
Đáp án
Nhận định Sai.
Căn cứ pháp lý: khoản 4, Điều 419 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.
Giải thích: Căn cứ khoản 4, Điều 419 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì trong trường hợp bị can, bị cáo từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 phạm tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù đến 02 năm thì có thể bị áp dụng biện pháp tạm giam nếu họ tiếp tục phạm tội, bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã. Do đó, biện pháp tạm giam có thể áp dụng với bị can là người dưới 18 tuổi bị khởi tố về tội ít nghiêm trọng nếu bị can tiếp tục phạm tội, bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã.
Nhận định 4
Thời hạn điều tra bổ sung được xác định căn cứ theo loại tội phạm.
Đáp án
Nhận định Sai.
Căn cứ pháp lý: khoản 2 Điều 174 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.
Giải thích: Thời hạn điều tra bổ sung không được xác định căn cứ theo loại tội phạm mà căn cứ vào loại cơ quan tiến hành tố tụng trả điều tra bổ sung. Trường hợp vụ án do Viện kiểm sát trả lại để yêu cầu điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá 02 tháng, nếu do Tòa án trả lại để yêu cầu điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá 01 tháng.
Xem thêm:
- Đề thi môn luật tố tụng hành chính năm 2018 lớp CLC40D
- Đề thi có đáp án Luật Tố tụng hình sự thầy Lê Huỳnh Tấn Duy
- Đề thi môn Luật Tố tụng hình sự thầy Lê Huỳnh Tấn Duy
Câu 2 – Câu hỏi tình huống
Hãy nêu hướng giải quyết và cơ sở pháp lý để áp dụng của Hội đồng xét xử phúc thẩm trong các trường hợp sau đây:
Trường hợp 1
Có căn cứ xác định hành vi của bị cáo không cấu thành tội phạm.
Đáp án
Khi có căn cứ xác định hành vi của bị cáo không cấu thành tội phạm thì Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, tuyên bị cáo không có tội và đình chỉ vụ án.
Giải thích: Áp dụng khoản 2 Điều 157 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì hành vi của bị cáo không cấu thành tội phạm là một trong các căn cứ không khởi tố vụ án hình sự. Áp dụng khoản 1 Điều 359 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì khi có căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 157 thì Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, tuyên bị cáo không có tội và đình chỉ vụ án.
Căn cứ pháp lý: khoản 2 Điều 157 và khoản 1 Điều 359 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.
Trường hợp 2
Có căn cứ để tăng hình phạt cho bị cáo đã kháng cáo yêu cầu giảm hình phạt (ngoài ra không còn kháng cáo, kháng nghị nào khác).
Đáp án
Về nguyên tắc khi bị cáo kháng cáo yêu cầu giảm nhẹ hình phạt (ngoài ra không còn kháng cáo, kháng nghị nào khác) thì Tòa án có chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu giảm nhẹ hình phạt (khi có căn cứ giảm nhẹ) của bị cáo mà không thể làm tăng nặng hình phạt (kể cả có căn cứ tăng nặng hình phạt) của bị cáo. Do đó, trong trường hợp trên, Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo và giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Căn cứ pháp lý: điểm a, khoản 1, Điều 355 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.
Câu 3 – Bài tập tình huống
A và B thực hiện hành vi giết 04 người tại tỉnh N. Vụ án do cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố và điều tra. Bản kết luận và đề nghị truy tố được gửi đến Viện kiểm sát có thẩm quyền.
Câu hỏi 1:
Viện kiểm sát nào có thẩm quyền quyết định việc truy tố bị can A, B? Viện kiểm sát cấp nào có trách nhiệm thực hành quyền công tố tại phiên tòa?
Đáp án:
Áp dụng: khoản 1 Điều 269 Bộ luật tố tụng hình sự về Thẩm quyền theo lãnh thổ: Do hành vi giết người được thực hiện ở tỉnh N nên Tòa án nhân dân thuộc tỉnh N có thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án trên.
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh N có thẩm quyền quyết định việc truy tố bị can A, B.
Giải thích: Áp dụng khoản 1 Điều 239 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 về thẩm quyền truy tố thì Viện kiểm sát có thẩm quyền truy tố được xác định theo thẩm quyền xét xử của Tòa án đối với vụ án. Áp dụng điểm a, khoản 2 và điểm c, khoản 1 Điều 268 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì thẩm quyền xét xử của vụ án A và B thực hiện hành vi giết 04 người tại tỉnh N thuộc Tòa án nhân dân tỉnh N.
Do đó, Viện kiểm sát có thẩm quyền quyết định việc truy tố bị can A, B là Viện kiểm sát nhân dân tỉnh N.
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh N có trách nhiệm thực hành quyền công tố tại phiên tòa xét xử sơ thẩm bị can A và B phạm tội giết người.
Giải thích: Áp dụng khoản 1 Điều 239 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 về thẩm quyền truy tố thì Viện kiểm sát cấp nào thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra thì Viện kiểm sát cấp đó quyết định việc truy tố. Ở vụ án trên, do Tòa án nhân dân tỉnh N có thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án nên Viện kiểm sát nhân dân tỉnh N kiểm sát hoạt động điều tra, thực hành quyền công tố tại phiên tòa.
Căn cứ pháp lý: Điều 123 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017; Khoản 1, Điều 239, khoản 1, Điều 268 và khoản 1, điều 269 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.
Câu hỏi 2:
Giả sử trong giai đoạn truy tố, Viện kiểm sát phát hiện Điều tra viên trong vụ án là anh em kết nghĩa của bị can A. Nêu hướng giải quyết của Viện kiểm sát trong trường hợp này.
Đáp án:
Áp dụng khoản 3, Điều 49 và điểm a, khoản 1, Điều 51 Bộ luật tố tụng hình sự thì: Trong trường hợp Điều tra viên trong vụ án là anh em kết nghĩa của bị can thì đây được xem là trường hợp có thể cho rằng Điều tra viên có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ điều tra vụ án. Do đó trường hợp này thuộc một trong các trường hợp phải thay đổi điều tra viên.
Trong trường hợp trên, áp dụng điểm e, khoản 2, Điều 41 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động điều tra (Cụ thể: Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân) yêu cầu Thủ trưởng Cơ quan điều tra, cấp trưởng cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thay đổi Điều tra viên trên.
Căn cứ pháp lý: khoản 3, Điều 49; điểm a, khoản 1, Điều 51 và điểm e, khoản 2, Điều 41 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.
Giảng viên ra đề: TS. Lê Huỳnh Tấn Duy