Dưới đây là Đề 2016 môn Luật Thương mại quốc tế lớp Chất lượng cao 38A ngày 22/12/2016 do dethiluat.com sưu tầm, thân gửi bạn đọc tham khảo:
ĐỀ THI MÔN LUẬT THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ
Lớp CLC 38A
Thời gian làm bài 75 phút
Sinh viên chỉ được sử dụng văn bản luật, điều ước quốc tế
I – Lý thuyết (5 điểm)
Câu 1 – 3 điểm
Nhận định sau đây đúng hay sai và Giải thích ngắn gọn, nêu rõ cơ sở pháp lý nếu có.
1 – Theo quy định của CISG 1980, một khi đã có hiệu lực, chào hàng không thể bị thu hồi.
2 – Thuế chống bán phá giá chỉ được áp dụng nếu hàng nhập khẩu gây thiệt hại thực tế cho ngành sản xuất sản phẩm tương tự của nước nhập khẩu.
3 – Do tính chất đặc thù, các loại nguồn của luật thương mại quốc tế đều có giá trị áp dụng đương nhiên.
Câu 2 – 2 điểm
“Thương mại tự do” có mang lại lợi ích cho tất cả mọi người không? Những yếu tố nào ảnh hưởng đến kẻ thắng và người thua trong thương mại quốc tế ngày nay?
II – Bài tập (5 điểm)
Bên bán (nhà cung cấp thịt gia súc sơ chế – Anh) và bên mua (Công ty VISSAN – Việt Nam) ký hợp đồng mua bán thịt bò vào ngày 14/4/2015. Ngày giao hàng là 15/5/2015 + 1 – 2 tuần, theo hợp đồng, hàng phải được gửi đến kho của VISSAN tại TPHCM, Việt Nam.
Sau khi hợp đồng được giao kết thành công, giá thịt bò tại Anh tăng đột biến và nhà cung cấp của bên bán không thể giao hàng cho họ trong thời điểm dự kiến vì vậy bên bán cũng khó đảm bảo thời gian giao hàng đúng hạn cho VISSAN.
Vào đầu tháng 6/2015, chính phủ Việt Nam ban hành lệnh cấm nhập khẩu thịt bò vì phát hiện thịt bò xuất xứ từ Anh nhiễm vi rút gây bệnh bò điên.
Theo lệnh cấm này, thịt bò nhập khẩu có xuất xứ từ tất cả các nước thuộc châu Âu sau ngày 7/6/2015 sẽ không được thông quan.
Tuy nhiên, các phương tiện vận chuyển cập cảng trong vòng 5 ngày kể từ ngày 2/6 sẽ vẫn được phép đưa hàng vào bên trong biên giới.
Vì hàng hóa không được giao đúng hạn nên lệnh cấm nhập khẩu khiến cho bên bán không thể tiếp tục giao hàng. Bên mua lúc này đề nghị bên bán gửi hàng đến kho hàng thứ hai của họ tại Cambodia.
Người bán từ chối đề nghị này với lý do hợp đồng vô hiệu do lệnh cấm của chính phủ Việt Nam thuộc trường hợp bất khả kháng.
Anh chị hãy cho biết:
1 – Lệnh cấm này của Chính phủ Việt Nam có phù hợp với Luật WTO mà nước này là thành viên hay không? Nêu rõ căn cứ pháp lý?
2 – Biết rằng Anh không tham gia Công ước Viên về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG), xác định giao dịch trên có phải là hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế theo CISG không và CISG có thể được áp dụng điều chỉnh giao dịch này trong trường hợp nào? Nêu rõ cơ sở pháp lý?
3 – Giả sử CISG được áp dụng, người bán có được miễn trách trong trường hợp này hay không?
GV ra đề: ThS Nguyễn Thị Lan Hương
Nguồn: Group FB – Ngân hàng đề thi HCMULAW
Đề tiếp theo: Đề hết môn Luật Thương mại quốc tế lớp Quản trị luật 37
cho mình xin đáp án bài tập tình huống với ạ