Tội hủy hoại tài sản là một trong số các tội xâm phạm đến quyền sở hữu – một trong những quan hệ xã hội đặc biệt quan trọng được pháp luật bảo vệ.
Tội hủy hoại tài sản là gì?
Mục Lục:
Tài sản là những vật có trị giá được bằng tiền. Dựa vào tính chất của tài sản có thể chia thành: động sản và bất động sản. Nếu dựa vào hình thức của tài sản có thể chia tài sản thành: tiền, giấy tờ có giá, các quyền tài sản khác…
Hủy hoại tài sản là hành vi cố ý làm tài sản của người khác giảm giá trị đến mức không thể phục hồi được hoặc mất hoàn toàn giá trị sử dụng.
Cơ sở pháp lý
Điều 178 Bộ luật hình sự 2015.
Cấu thành tội phạm
Tội hủy hoại tài sản được cấu thành khi thỏa mãn đủ 04 yếu tố: mặt khách quan của tội phạm, mặt chủ quan của tội phạm, khách thể của tội phạm và chủ thể của tội phạm. Trong đó:
Mặt khách quan của tội phạm
Hình thức cấu thành tội phạm
Tội hủy hoại tài sản có cấu thành tội phạm – cấu thành vật chất. Thời điểm tội phạm hoàn thành được tính từ thời điểm người phạm tội thực hiện hành vi hủy hoại tài sản mà thiệt hại từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp tài sản là di sản, cổ vật có giá trị văn hóa, hoặc đã bị phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản, đã bị kết án về tội này mà chưa được xóa án tích, hoặc gây ảnh hưởng xấu đến trật tự an ninh, an toàn xã hội.
Hành vi khách quan
Khác với hành vi khách quan của tội cố ý làm hư hỏng tài sản là, mặc dù cũng làm giảm giá trị sử dụng tài sản của người khác nhưng vẫn còn có thể phục hồi lại được. Trong khi đó, tội hủy hoại tài sản thể hiện ở chỗ người phạm tội cố ý làm giảm giá trị sử dụng của tài sản đến mức khó hoặc không thể phục hồi được.
Lưu ý: Nếu ý chí chủ quan của người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội của mình thể hiện mong muốn làm mất hoàn toàn giá trị sử dụng của tài sản, tuy nhiên thực tế tài sản vẫn còn khả năng sử dụng thì vẫn cấu thành tội hủy hoại tài sản.
Mặt chủ quan của tội phạm
Động cơ, mục đích phạm tội
Động cơ và mục đích phạm tội không là dấu hiệu định tội.
Nếu động cơ hủy hoại tài sản là nhằm mục đích chống chính quyền nhân dân thì KHÔNG cấu thành tội hủy hoại tài sản mà bị xử lý về các tội phạm về xâm phạm an ninh quốc gia.
Hình thức lỗi
Hình thức lỗi của Tội hủy hoại tài sản bao gồm: lỗi cố ý.
Khách thể của tội phạm
Khách thể bị xâm phạm
Tội hủy hoại tài sản đã xâm phạm đến quyền sở hữu (bao gồm 3 quyền: quyền định đoạt, quyền chiếm hữu và quyền sử dụng).
Đối tượng tác động của tội phạm
Đối tượng tác động của Tội hủy hoại tài sản là các tài sản hữu hình.
Nếu các tài sản có tầm quan trọng về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội (ví dụ: như cầu đường, bến cảng, sân bay,…) thì không cấu thành tội hủy hoại tài sản mà cấu thành Tội phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 114)
Chủ thể của tội phạm
Chủ thể có tội hủy hoại tài sản là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự.