Cách sinh viên Luật học để nắm hệ thống pháp luật và văn bản luật
Xin nhấn mạnh trước rằng, thực ra việc phải làm để đạt mục tiêu thứ hai này, phải tiến hành song song với việc học ở mục tiêu thứ nhất. Tôi luôn hoàn thành việc hệ thống văn bản luật chậm nhất đến hết tuần thứ 2 khi bắt đầu môn học.

Đối với từng môn/ngành luật:
Bạn phải hệ thống lại các văn bản pháp luật, đảm bảo nắm được tất cả các văn bản quy phạm pháp luật của môn/ngành luật đó đang có hiệu lực và một số văn bản chính/quan trọng của môn/ngành luật đó trong quá khứ.
Về các văn bản đang có hiệu lực:
Bạn bắt đầu nắm luật trước, sau đó đến văn bản hướng dẫn. Sinh viên luật phải nắm rõ về quy định pháp luật hiện hành: trong luật có mấy phần, phần nào quy định về cái gì, được hướng dẫn ở văn bản nào, phải kiếm được ngay nội dung cần tra cứu để tìm thấy ngay cái cần tìm.
Tôi ví dụ trong môn Luật lao động, chúng ta phải hệ thống mà nắm được: (-) Bộ luật lao động 2012; (–) các văn bản hướng dẫn phần chung: nghị định nào, thông tư nào, các công văn nào của BLĐTBXH hướng dẫn các trường hợp cụ thể; (—) các văn bản hướng dẫn phần hợp đồng lao động: nghị định, thông tư …; tương tự như vậy cho các phần: thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; an toàn lao động, vệ sinh lao động; tiền lương; kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất; thanh tra, xử lý vi phạm; giải quyết tranh chấp lao động … Nếu môn Tố tụng dân sự thì nắm BLTTDS, sau đó đến các nghị quyết hướng dẫn của HĐTPTANDTC … theo cái cách tôi vừa nói.
Bạn nên lập một danh mục (dạng bảng kê), trong đó nên có các thông tin và theo trật tự sắp xếp theo gợi ý như sau: STT, số hiệu văn bản, trích yếu, nội dung chính, cơ quan ban hành, ngày ban hành, ngày hiệu lực, các ghi chú …
Về các văn bản đã hết hiệu lực:
Xin nói ngay rằng, các văn bản hết hiệu lực, đối với người hành nghề luật, không phải là cái bỏ đi. Xin lấy ví dụ như sau: Công ty A ký hợp đồng cho Công ty B thuê nhà năm 2002, thời hạn 20 năm, đến năm 2009 thì ký thêm phụ lục hợp đồng bổ sung thêm tài sản thuê do người thuê và người cho thuê thỏa thuận nâng thêm 2 tầng nhà, đến năm 2017 thì người thuê không trả tiền thuê 6 tháng liên tục, người cho thuê yêu cầu trả nhà mà người thuê không trả. Khi đó, để xử lý tranh chấp hợp đồng này, phải sử dụng đến: BLDS 1995, BLDS 2005; BLDS 2015; Nghị định 75/2000/NĐ-CP; Luật công chứng 2006; Luật công chứng 2014, luật nhà ở qua các thời kỳ … và nhiều các văn bản khác.
Do đó, ngoài việc nắm văn bản đang có hiệu lực, bạn học luật phải nắm văn bản chính/quan trọng đã bị thay thế (hết hiệu lực) để cần thì tra cứu ngay được. Đối với các văn bản này, bạn cũng nên lập một danh mục (dạng bảng kê), trong đó nên có các thông tin và theo trật tự sắp xếp theo gợi ý như sau: STT, số hiệu văn bản, trích yếu, nội dung chính, cơ quan ban hành, ngày ban hành, ngày hiệu lực, đã bị thay thế bằng văn bản, ngày hết hiệu lực và các ghi chú cần thiết.
Đối với hệ thống pháp luật:
(+) Bạn phải hiểu và nắm hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, có thể nắm hệ thống một số ngành luật điều chỉnh thường xuyên, phổ biến đời sống kinh tế, xã hội vì bạn phải tra cứu thường xuyên sau này khi đi làm. Cái này tùy vào nghề nghiệp bạn hướng tới. Ví dụ, tôi hướng tới nghề luật sư chuyên làm pháp chế doanh nghiệp, thì tôi phải nắm: ngành luật dân sự (sở hữu, thừa kế, nghĩa vụ dân sự, hợp đồng, btthnhd), tố tụng dân sự, thi hành án dân sự, doanh nghiệp, lao động, thương mại, cạnh tranh, chứng khoán, đầu tư, đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, xây dựng, ngân hàng, thuế, bảo hiểm, xuất nhập khẩu …
(++) Ngày trước tôi đi học, tôi tập trung một số môn học mà tôi nghĩ rằng sau này tôi phải tiếp cận, vận dụng thường xuyên (cái này không phải tự nghĩ ra, mà là do các anh/chị luật sư trong VPLS Thuận An ngày xưa rút tỉa từ quá trình học, làm việc của các anh/chị rồi định hướng cho tôi). Theo cách các anh chị hướng dẫn, tôi tổng hợp quy định pháp luật và nắm luật theo 03 cái sơ đồ tư duy pháp lý mà tôi vạch ra, xin nói luôn như sau:
(x) Sơ đồ thứ nhất với đối tượng trung tâm là DOANH NGHIỆP, tôi vẽ giữa tờ A3 vòng tròn chứa chữ DOANH NGHIỆP, sau đó vẽ ra nhiều nhánh xung quanh theo hình mặt trời (cái này tôi đã chỉ cho các bạn sinh viên luật trong các buổi giao lưu): tia thứ nhất, để giải quyết việc thành lập, tổ chức, phát triển, mở rộng, quản trị điều hành nội bộ, liên doanh, thực hiện dự án đầu tư, hợp tác kinh doanh… thì tập trung học kỹ luật doanh nghiệp và luật đầu tư, tổng hợp và liên kết chúng lại với nhau để có cái nhìn thống nhất; tia thứ 2, để thực hiện các hoạt động của doanh nghiệp, thì nó phải ký và thực hiện các hợp đồng, nên tôi tập trung học về hợp đồng trong luật dân sự, hợp đồng thương mại trong luật thương mại, hợp đồng đầu tư trong luật đầu tư, hợp đồng xây dựng trong luật xây dựng, hợp đồng thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất trong luật đất đai … và liên kết chúng lại với nhau để có cái nhìn thống nhất; tia thứ 2, để có vốn đầu tư, thì doanh nghiệp ngoài vốn chủ sở hữu phải góp đủ, còn đi huy động vốn, thông qua hoạt động góp vốn đầu tư, vay các tổ chức tín dụng, thuê tài chính … nên tôi tập tung nghiên cứu về giao dịch đảm bảo trong luật dân sự, các loại tài sản thường được đem ra làm tài sản đảm bảo như đất đai, nhà, công trình xây dựng và điều kiện giao dịch trong các luật chuyên ngành, các hoạt động tín dụng (cho vay, cho thuê tài chính …) trong luật ngân hàng … rồi rất nhiều tia, rất nhiều ngành luật … theo hình mặt trời lớn (trung tâm), các mặt trời nhỏ xung quanh. Học kiểu này hiểu rồi sau đó “thách thức sự quên” luôn.
(xx) Sơ đồ thứ 2 với đối tượng trung tâm là một CÁ NHÂN, tôi vẽ tương tự như sơ đồ thứ nhất, tư suy theo thời gian: sinh ra người ta phải được khai sinh, được quyền thừa kế, được quyền công dân, thực hiện quyền thế nào; đến mức tuổi nào chịu trách nhiệm hình sự; đến tuổi nào thì kết hôn và kết hôn thì quyền, nghĩa vụ phát sinh thế nào;; thực hiện các giao dịch dân sự thì có quyền gì, nghĩa vị gì, làm sao đảm bảo có hiệu lực; đi làm thì ký hợp đồng lao động, thực hiện quyền, nghĩa vụ thế nào; có tài sản, định đoạt các loại tài sản của mình ra sao; khi chết thì xử lý về quan hệ thân thích, quan hệ hôn nhân, quan hệ tài sản thế nào … theo một vòng đời con người.
(xxx) Sơ đồ thứ 3 với đối tượng trung tâm là TÒA NHÀ là sản phẩm của một dự án đầu tư BĐS, tôi lấy hình vẽ một dự án và bắt đầu tư duy: nhà đầu tư có thể một mình hoặc hùn hợp (liên danh, liên kết hoặc thành lập pháp nhân) để thực hiện dự án, theo luật doanh nghiệp, luật đầu tư họ phải ký hợp đồng nào, thực hiện thủ tục nào; kế đến là họ phải cần có đất mới triển khai dự án được (đất có thể do nhà đầu tư có và đem hùn hợp, hoặc đi thuê của người sử dụng đất khác, có thể do nhà nước giao đất, cho thuê đất …) tùy từng trường hợp và nhà đầu tư và/hoặc pháp nhân thực hiện dự án sẽ có quyền, nghĩa vụ nào theo luật đất đai; để thực hiện dự án, nhà đầu tư/pháp nhân thực hiện dự án phải thực hiện hàng loạt thủ tục: xin chủ trương đầu tư, lập dự án, xây dựng, …; rồi huy động vốn để thực hiện dự án; rồi triển khai thực hiện phải ký và thực hiện hàng loạt các hợp đồng: thiết kế, giám sát, thi công …; rồi thực hiện hàng loạt thủ tục: an toàn lao động, bảo hiểm, phòng cháy chứa cháy; kết nối giao thông, điện, nước, hoàn công, quản lý, khai thác (cho thuê, bán, …) … đó là nói một số việc mà đã liên quan đến cả khối ngành luật, còn cả đống việc khác nữa.
Nhờ tư duy theo 03 sơ đồ này, mà tôi tổng hợp, liên kết và vận dụng các luật với nhau một cách thuần thục, phát hiện ra rất nhiều điều thú vị. Học luật mà môn nào xong xếp môn đó vào, không liên kết chúng lãi thì “thôi rồi”.
Nguồn: Luật sư Nguyễn Văn Dụng
Bài tiếp theo: Cách sinh viên Luật học để làm được một số việc