Cũng giống tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, tội trộm cắp tài sản là một trong các tội danh xâm phạm quyền sở hữu – quyền này được pháp luật hình sự bảo vệ. Trước khi tìm hiểu các dấu hiệu định tội của tội trộm cắp tài sản, chúng ta cần tìm hiểu khái niệm về thuật ngữ trộm cắp tài sản.
Trộm cắp tài sản là gì?
Mục Lục:
- Trộm cắp tài sản là gì?
- Cơ sở pháp lý
- Cấu thành tội phạm
- Mặt khách quan của tội trộm cắp tài sản
- Hình thức cấu thành tội phạm
- Dấu hiệu khách quan
- Hành vi khách quan
- Mặt chủ quan của tội trộm cắp tài sản
- Động cơ, mục đích phạm tội
- Hình thức lỗi
- Khách thể của tội trộm cắp tài sản
- Khách thể bị xâm phạm
- Đối tượng tác động của tội phạm
- Chủ thể của tội trộm cắp tài sản
Trộm cắp tài sản là trường hợp người phạm tội lợi lén lút chiếm đoạt tài sản đang trong sự quản lý hợp pháp của người khác.
Cơ sở pháp lý
Điều 173 Bộ luật hình sự 2015.
Cấu thành tội phạm
Tội trộm cắp tài sản được cấu thành khi thỏa mãn đủ 04 yếu tố: mặt khách quan của tội phạm, mặt chủ quan của tội phạm, khách thể của tội phạm và chủ thể của tội phạm. Trong đó:
Mặt khách quan của tội trộm cắp tài sản
Hình thức cấu thành tội phạm
Tội trộm cắp tài sản có cấu thành tội phạm vật chất, tội phạm hoàn thành khi trên thực tế người phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản. Tài sản phải có giá trị từ 2.000.000 đồng trở lên mới cấu thành tội trộm cắp tài sản. Trường hợp tài sản có trị giá dưới 2.000.000 đồng thì không cấu thành tội phạm. Trừ trường hợp đã có tiền sự về các hành vi liên quan đến chiếm đoạt tài sản (bị xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi chiếm đoạt tài sản), đã bị kết án về tội trộm cắp tài sản hoặc các tội khác liên quan đến chiếm đoạt tài sản,… quy định tại khoản 1 các điểm từ a đến d Điều 173 BLHS.
Dấu hiệu khách quan
Dấu hiệu khách quan của tội trộm cắp tài sản bao gồm:
Hành vi khách quan
Hành vi trộm cắp tài sản là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản của người khác.
Lén lút chiếm đoạt tài sản được hiểu là hành vi chiếm đoạt tài sản một cách bí mật, lén lút đối với người quản lý tài sản (người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội của mình mà không để cho nạn nhân biết. Trong ý thức chủ quan của người phạm tội, họ sợ người quản lý tài sản phát hiện hành vi phạm tội của mình.
Cần lưu ý rằng:
Thứ nhất, mặc dù thông thường người phạm tội mong muốn che giấu hành vi phạm tội đối với cả những người khác không phải là người đang quản lý tài sản. Tuy nhiên, tính chất “lén lút” của hành vi trộm cắp tài sản đối với người quản lý tài sản là dấu hiệu bắt buộc để định tội. Hành vi phạm tội này có lén lút đối với những người không phải là người đang quản lý tài sản hay không KHÔNG là dấu hiệu định tội.
Thứ hai, tính chất “lén lút” của hành vi dùng để phân biệt hành vi trộm cắp tài sản với các hành vi phạm tội xâm phạm đến quan hệ sở hữu khác.
Thứ ba, đối với vật nhỏ gọn, thì coi là đã chiếm đoạt được khi người phạm tội đã lấy được tài sản. Trường hợp khác thì được coi là đã chiếm đoạt khi đã mang vật đó khỏi nơi bảo quản. Nếu không có nơi bảo quản thì tội phạm hình thành khi vật ra khỏi vị trí ban đầu.
Mặt chủ quan của tội trộm cắp tài sản
Động cơ, mục đích phạm tội
Động cơ phạm tội không là dấu hiệu bắt buộc cấu thành tội trộm cắp tài sản.
Mục đích phạm tội là nhằm chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu bắt buộc cấu thành tội trộm cắp tài sản.
Hình thức lỗi
Hình thức lỗi của Tội trộm cắp tài sản bao gồm: lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội biết hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn thực hiện hành vi phạm tội.
Khách thể của tội trộm cắp tài sản
Khách thể bị xâm phạm
Cũng như đối với tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, tội cướp tài sản xâm phạm chỉ xâm phẩm khách thể là tài sản.
Đối tượng tác động của tội phạm
Đối tượng tác động của Tội trộm cắp tài sản là tài sản, cụ thể là quan hệ sở hữu (bao gồm ba quyền: quyền sử dụng, quyền định đoạt và quyền chiếm hữu).
Chủ thể của tội trộm cắp tài sản
Chủ thể có tội trộm cắp tài sản là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự.