Ở các bài viết trước, chúng ta đã tìm hiểu các bước để trở thành: Luật sư, Kiểm sát viên, Thẩm phán. Ở bài viết này, dethiluat.com sẽ giới thiệu về các bước để trở thành Thư ký Tòa án ở Việt Nam dành cho sinh viên Luật.

Thư ký Tòa án là gì ?
Thư ký Tòa án là công chức làm việc tại Tòa án có nhiệm vụ ghi chép, tống đạt văn bản tố tụng, nhận, giữ, sắp xếp, chuyển hồ sơ; hướng dẫn, phổ biến cho đương sự; và làm những công việc khác đảm bảo cho Thẩm phán Tòa án thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.
Thư ký Tòa án có thể được phân công làm Thư ký phiên tòa. Thư ký phiên tòa có nhiệm vụ ghi chép thành biên bản diễn biến của phiên tòa; kiểm tra sự có mặt của những người tham gia tố tụng được triệu tập đến phiên tòa, làm rõ lý do của những người vắng mặt và báo cáo danh sách đó cho HĐXX; ghi lại một cách đầy đủ trong biên bản phiên tòa các diễn biến tại phiên tòa từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc và cùng với chủ tọa phiên tòa ký vào biên bản đó.
Điều kiện để trở thành Thư ký Tòa án:
Là công dân Việt Nam, có lý lịch rõ ràng, có phẩm chất đạo đức tốt;
Đã tốt nghiệp đại học Luật, sử dụng thành thạo máy vi tính trong công tác văn phòng;
Đã trúng tuyển kỳ thi tuyển công chức của Tòa án.
Các bước để trở thành Thư ký Tòa án ở Việt Nam
Cũng như quy trình trở thành Kiểm sát viên, để trở thành Thư ký Tòa án ở Việt Nam, phải trải qua 5 bước:
– Bước 1: Bạn cần học giỏi để thi đỗ Đại học Luật ngành Luật hoặc khoa Luật Đại học khác.
Điều này có nghĩa là bạn phải học một trong các trường Luật hoặc khoa Luật của trường Đại học khác (thông thường là 4 năm học).
Hiện nay có 2 cơ sở đào tạo cử nhân Luật hàng đầu Việt Nam đó chính là ĐH Luật Hà Nội (Bộ Tư pháp ) và ĐH Luật TPHCM (Bộ Giáo dục và Đào tạo). Ngoài ra, những khoa Luật của các trường Đại học khác (Ví dụ khoa Luật ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Kinh tế – Luật, Khoa Luật ĐH Huế,…) cũng khá uy tín và đang dần khẳng định được vị thế của mình.
– Bước 2: Học thật tốt để lấy được bằng Cử nhân Luật.
Đa phần các cơ quan đơn vị đều yêu cầu sau khi tốt nghiệp xếp loại văn bằng của bạn phải đạt loại Khá trở lên để thi công chức. Do đó, hãy cố gắng phấn đấu để đạt được học lực khá, giỏi. Bạn sẽ có nhiều lợi thế khi ra trường.
– Bước 3: Tham gia thi tuyển công chức ngành Tòa án
Trước khi trở thành Thư ký Tòa án bạn phải trải qua kỳ thi tuyển công chức ngành Tòa án. Hàng năm, thường có thông báo thi tuyển công chức Tòa án được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân cấp tỉnh.

– Bước 4: Được cử đi học Nghiệp vụ Thư ký Tòa án
Sau một thời gian công tác pháp luật bạn sẽ được cử đi học nghiệp vụ Thư ký Tòa (một trong các điều kiện cần để được bổ nhiệm Thư ký Tòa án).
– Bước 5: Được bổ nhiệm làm Thư ký Tòa án
Tùy theo nhu cầu cán bộ của từng cơ quan, đơn vị, bạn sẽ được bổ nhiệm trở thành Thư ký Tòa án giúp việc cho Chánh án, Phó Chánh án hoặc Thẩm phán.
——————-o0o——————-
Hy vọng rằng, bài viết trên cung cấp thông tin hữu ích đến bạn!
Chúc một ngày tốt lành
Sửu Ka – dethiluat.com
(Vui lòng ghi rõ nguồn: dethiluat.com khi chia sẻ bài viết này)